Tài chính - Ngân hàng

Chủ tịch MBBank cảnh báo nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng cao

"Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu", Ban điều hành MB khuyến cáo.

Tác động của dịch Covid-19

Trong báo cáo thường niên năm 2019 vừa được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố, đây là lần đầu tiên nhà băng này vượt mốc 10.000 tỷ lợi nhuận sau 25 năm hoạt động.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế tập đoàn đạt 10.036 tỷ đồng – tăng 29% so với năm 2018, hoàn thành 105% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.069 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận công ty đạt 1.107 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2018.

Năm 2019, lần đầu tiên ngân hàng MB vượt mốc 10.000 tỷ lợi nhuận sau 25 năm hoạt động.

Cũng trong năm 2019, tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của MBBank dưới 1%. Tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt trên 110%, hoàn thành khung quản trị rủi ro theo Basel 2.

Cũng trong Thông điệp của ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch ngân hàng MB, có một điểm vô cùng đáng chú ý khi cho biết bước vào năm 2020, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trước nhiều thách thức đến từ dịch cúm do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

"Diễn biến dịch cúm không lường trước được này có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam", Chủ tịch MB đánh giá.

Dẫn dự báo của Bloomberg, ông Lê Hữu Đức cho hay với kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu năm 2020 có thể mất 2.700 tỷ, tương đương với GDP của Anh. Theo Moody’s thì GDP toàn cầu (không tính Trung Quốc) có thể giảm 0,3% từ 2,8% xuống 2,5%.

Đối với kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP Việt Nam có thể giảm 0,55% - 0,84% xuống mốc 5,96% - 6,25% tùy theo từng kịch bản.

Chủ tịch MB nhận định các ngành chịu tác động mạnh bao gồm du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài.

"Đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng, chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao", lãnh đạo MB cho biết.

Báo cáo của Ban điều hành MB thì cho hay, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10% - 12%).

"Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu", Ban điều hành MB khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu của MBBank, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Kết luận, tại thời điểm 4/4/2019 Công ty Trung Dũng đang có khoản vay với tổng dư nợ tạm tính là 477,82 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) không có khả năng thu hồi.

Nguy cơ từ nợ xấu tăng cao

Không chỉ MBBank mà các ngân hàng khác cũng đang hết sức "đau đầu" với bài toàn nợ xấu. Thông tin trên tạp chí Tài chính, các chuyên gia đánh giá mục tiêu đưa nợ xấu của toàn ngành ngân hàng về dưới 3% trong năm nay có khả năng không thực hiện được, bởi ngành ngân hàng chịu tác động tiêu cực gián tiếp từ dịch Covid-19 đang lan rộng toàn thế giới.

VPBank ước tính tổng số khách hàng của ngân hàng này bị tác động trong đợt dịch bệnh Covid-19 có thể lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có thể gia tăng nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn và kéo dài.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, Ngân hàng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại, song chắc chắn dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng.

Hiện, khách hàng vay vốn của Agribank hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn, chiếm 70%. Vì vậy, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua có thể tác động làm gia tăng nguy cơ nợ xấu.

Video: Nhiều doanh nghiệp bắt đầu được giãn nợ, cơ cấu nợ

Chia sẻ với báo Thanh niên, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Tiên Phong (TienPhongBank) cho biết: “Chúng tôi thống kê, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, TienPhongBank có khoảng 1.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.000 tỉ đồng có khả năng đến hạn không trả được. Tôi nghĩ đây là sự thách thức rất lớn bởi các DN vừa và nhỏ là lực lượng đang giải quyết việc làm cho phần lớn lao động”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN ước khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), năm 2020, không chỉ ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành ngân hàng còn chịu tác động do nền kinh tế thế giới cũng đang tăng trưởng chậm lại.

Ông Độ nhận định: "Có khả năng nợ xấu năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước, còn mức tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước cũng như việc đưa ra chiến lược hoạt động của ngành ngân hàng”.

Tình hình dịch Covid-19 đến nay vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Thậm chí, ngay cả khi đã hết dịch, tình hình kinh doanh được dự báo là vẫn còn mất một thời gian dài mới có thể hồi phục. Do đó, nguy cơ khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, dù đã được cơ cấu lại nợ, vẫn tiềm tàng. 

Lê Lan (Tổng hợp)