Thế giới

Chủ tịch Hứa Gia Ấn có thể mất 60% vốn Evergrande để tái cơ cấu nợ

Hiện Chủ tịch Hứa Gia Ấn nắm giữ hơn 70% vốn tại Evergrande và toàn quyền quản lý tập đoàn bất động sản này.

Vào hôm thứ Sáu (21/1), hãng tin Reuters trích dẫn một báo cáo truyền thông rằng chính quyền tỉnh phụ trách vụ cơ cấu lại Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đang muốn tách các tài sản ở nước ngoài của hãng và bán chúng để trả nợ nước ngoài cho nhà phát triển này. Động thái trên nhằm giúp các chủ nợ nước ngoài của Evergrande có thể thu hồi vốn.

Hãng tin tức tài chính REDD cho biết chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở, đang có kế hoạch tái cơ cấu nợ công ty vào tháng 3/2022, theo đó có thể xóa bỏ 60% cổ phần của Chủ tịch Hứa Gia Ấn. Chính quyền tỉnh đang đề xuất rằng các nhà đầu tư nhà nước nên mua tài sản của Evergrande (HK: 3333).

Trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 4/2023 của Evergrande đã tăng lên 17,762 cent/1 USD mệnh giá sau thông tin đưa ra bởi REDD. Trong khi cổ phiếu của hãng đóng cửa với mức giảm 0,6%, trước khi báo cáo được công bố.

Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn China Evergrande, tham dự cuộc hợp báo cáo kết quả thường niên năm 2016 của tập đoàn tại Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Nhiều nhà đầu tư mong đợi các tổ chức nhà nước sẽ điều hướng giúp quá trình tái cấu trúc Evergrande diễn ra suôn sẻ, nhưng cũng có một số ý kiến lại lo ngại rằng giới chức Trung Quốc sẽ sử dụng tiền thu được từ các hoạt động bán tài sản để ưu tiên trả nợ trong nước.

Chính quyền tỉnh đã hoàn thiện tài liệu khung và đệ trình lên nội các Trung Quốc để thảo luận vào cuối tuần này, ngoài ra bản đề xuất tái cơ cấu chi tiết sẽ được công bố vào tháng 10. Chính quyền tỉnh, nội các Trung Quốc và đại diện phía Evergrande đã không trả lời yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc.

Evergrande hiện là công ty bất động sản gánh nợ nhiều nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD nợ phải trả, trong đó bao gồm gần 20 tỷ USD trái phiếu nước ngoài đã bị coi là vỡ nợ sau một loạt các thời hạn thanh toán bị bỏ lỡ vào cuối năm ngoái.

Trong động thái mới nhất, Evergrande cho biết họ đang thuê thêm cố vấn tài chính và pháp lý, bao gồm China International Capital Corp Ltd, BOCI Asia Ltd và Zhong Lun Law Firm, để giúp giải quyết các yêu cầu từ các chủ nợ. Động thái diễn ra một ngày sau khi một nhóm chủ nợ nước ngoài, đại diện bởi công ty luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis, cho biết họ sẵn sàng thực hiện "các hành động cần thiết" để bảo vệ quyền lợi của các thành viên do Evergrande đã hành động thiếu cam kết. 

Cuộc khủng hoảng tài chính của Evergrande đã làm chao đảo các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc trong nửa năm vừa qua và làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn vốn trong lĩnh vực này.

Dự án khu dân cư của Tập đoàn Evergrande tại Hồng Kông, Trung Quốc, vào ngày 23/7/2021. Ảnh: Bloomberg.

Cơ quan xếp hạng Fitch đã hạ cấp China Aoyuan Group (HK: 3883),  một đối thủ nhỏ hơn của Evergrande, xuống bậc "vỡ nợ hạn chế" vào thứ Sáu (21/1) sau khi công ty này cho biết có thể sẽ không thanh toán được cả gốc và lãi cho tất cả các khoản nợ nước ngoài của mình. Bậc xếp hạng “vỡ nợ hạn chế” đồng nghĩa rằng công ty có một khoản nợ không được bảo đảm thanh toán, nhưng chưa làm hồ sơ phá sản hoặc thanh lý.

Chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm, với một loạt các đợt cắt giảm lãi suất trong tuần này. 

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang soạn thảo những quy tắc mới để giúp các nhà phát triển hoàn thành nghĩa vụ nợ, thanh toán cho nhà cung cấp và nhà tài trợ. Theo đó, quy tắc mới cho phép nhà phát triển sử dụng các khoản ký quỹ hiện được kiểm soát bởi chính quyền thành phố, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng trong lĩnh vực này.

Hà Thanh (theo Reuters, The Guardian)