Thế giới

Chủ tịch Hạ viện Mỹ mang lại tia hy vọng le lói cho Ukraine

Bất kỳ gói viện trợ nào cho Ukraine cũng cần có sự ủng hộ đáng kể của Đảng Dân chủ để được Hạ viện thông qua vì phần lớn đảng viên Đảng Cộng hòa phản đối viện trợ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vừa có thông báo quan trọng có khả năng quyết định tương lai gói viện trợ tỷ USD của “xứ cờ hoa” dành cho Ukraine.

Bằng cách thông báo về việc xúc tiến đưa gói viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev ra bỏ phiếu tại Hạ viện, Hạ nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã trở thành “Đại sứ của Hy vọng” vào Chủ nhật Phục sinh năm nay.

Ông Johnson khẳng định, ông sẽ thúc đẩy hỗ trợ thêm cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine chống lại Nga khi các nhà lập pháp trở lại Đồi Capitol vào ngày 9/4, đồng thời tiết lộ “một số đổi mới quan trọng” về nguồn tài trợ trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 31/3 nhân Lễ Phục sinh.

Ông cho biết, Hạ viện Mỹ sẽ gắn các điều kiện mới vào khoản viện trợ, có thể bao gồm việc cung cấp gói này như một khoản vay để được hoàn trả “khi đến thời điểm thích hợp”, sử dụng tài sản tịch thu của các nhà tài phiệt Nga, hoặc hủy bỏ lệnh đóng băng của Chính quyền Biden đối với việc cấp phép cho các dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới…

Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết, ông muốn khoản viện trợ mới cho Ukraine được phê duyệt “ngay lập tức”, nhưng vẫn đang vật lộn để làm dịu đi sự phản đối từ những thành viên theo đường lối cứng rắn.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bắt đầu công khai đặt ra các điều kiện để mở rộng đợt hỗ trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine. Ảnh: NY Times

Dù tin tức trên có thể coi là tia hy vọng le lói cho Kiev nhưng nó cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu hàng tỷ USD hỗ trợ có đến được tuyến đầu kịp thời để tạo ra sự khác biệt cho người Ukraine hay không. Ở tiền tuyến, sự chậm trễ trong việc cung cấp đạn pháo từ các đồng minh – đặc biệt là Mỹ – đã khiến lực lượng Ukraine bị áp đảo với tỉ lệ lên tới 6:1.

Nhiều thành viên đứng đầu các ban bệ của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ hôm 1/4 cho biết rằng tỉ lệ các nhà lập pháp sẽ phê duyệt gói viện trợ bổ sung sẽ không quá 50%, và ông Johnson vẫn chưa làm rõ lập trường chính trị mà ông sẵn sàng đặt ra ở mức độ nào.

Các trợ lý của ông Johnson không đề cập đến việc ông đã hợp tác sâu sắc như thế nào với Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries hoặc Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer của Đảng Dân chủ về cách tiếp cận lưỡng đảng.

Bất kỳ gói viện trợ nào cho Ukraine cũng cần có sự ủng hộ đáng kể của Đảng Dân chủ để được Hạ viện thông qua vì phần lớn đảng viên Đảng Cộng hòa phản đối viện trợ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại lời cầu xin tuyệt vọng của ông về việc có thêm sự trợ giúp quân sự vào tuần trước trong cuộc điện đàm với ông Johnson. Nhà lãnh đạo Ukraine nói trong một bài đăng trên X/Twitter sau đó, “Trong tình huống này, việc Quốc hội nhanh chóng chuyển viện trợ của Mỹ cho Ukraine là rất quan trọng”.

Một cuộc thăm dò hồi tháng 2 do Associated Press và Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng NORC thực hiện cho thấy, đa số đảng viên Đảng Cộng hòa (55%) và nhiều người Mỹ (37%) tin rằng Mỹ đang chi “quá nhiều” cho viện trợ Ukraine.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Don Bacon theo đường lối ôn hòa cho biết, “rất có thể sau dự luật Ukraine này, chúng ta có thể lại gặp bế tắc với vị trí Chủ tịch Hạ viện” và những đối thủ có đường lối cứng rắn như Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene.

Minh Đức (Theo Bloomberg, NY Post)