Góc nhìn luật gia

Chủ tịch Địa ốc Alibaba lừa đảo gần 7.000 khách hàng khắp nơi: Lãnh đạo các địa phương có vô can?

Vấn đề mọi người thắc mắc, là để cho công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo nhiều năm, với hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn tỷ đồng như thế, thì lãnh đạo các địa phương nơi xảy ra sai phạm của Alibaba có vô can?

Qua điều tra ban đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo 6.700 khách hàng với số tiền gần 2.650 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan công an đã công bố danh sách 22 công ty con của Alibaba có mặt khắp các tỉnh tại phía Nam.

Vấn đề thắc mắc là để cho công ty này lừa đảo nhiều năm, với hàng ngàn khách hàng, hàng ngàn tỷ đồng như thế thì lãnh đạo các tỉnh có vô can?

Phản ánh với PV báo Người Đưa Tin, bạn đọc Nguyễn Thị Hà, 34 tuổi, ngụ Đồng Nai cho biết: “Tôi có người nhà bị nhân viên công ty Alibaba dẫn đi xem đất ở Long Thành, Đồng Nai. Sau nhiều lần thuyết phục đầu tư, người nhà tôi đồng ý mua đất dự án của công ty này tại Long Thành. 

Mới đây, khi công an vào cuộc làm rõ, chúng tôi mới biết đây là công ty lừa đảo. Tuy nhiên, chúng tôi theo dõi thông tin thì chỉ thấy bắt ông chủ Alibaba,  những người đứng đầu và đã  truy những công ty con của công ty này…

Còn những người liên quan như “cò”, nhân viên kinh doanh, hay lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các tỉnh nơi có sai phạm của Alibaba thì ở đâu? Câu hỏi đặt ra, nếu không có ai tiếp tay, bao che, hoặc thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát công ty này có thể vươn vòi bạch tuộc rộng lớn khắp nơi như vậy được không?”

Người dân làm thủ tục trình báo tại Công an TP.HCM.

Còn bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn, ngụ TP.HCM lại cho biết: “Tôi không hiểu bằng cách nào, nhân viên Alibaba lại có được số điện thoại của mình và liên tục gọi cho tôi mời tôi đi xem đất có miễn phí ăn sáng, cà phê này nọ. Tôi biết có dấu hiệu lừa đảo nên liên tục từ chối.

Tôi cũng biết nhiều người dân tố cáo công ty này từng lừa đảo nên không bao giờ đồng ý đi xem đất với họ. Tôi cho rằng công ty này quá lộng hành, coi thường pháp luật nên mới gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người dân như thế.

Tôi đề nghị công an cần xem xét, xử lý những ai bao che, tiếp tay cho công ty địa ốc Alibaba hoạt động, lừa đảo có quy mô, có hệ thống như vậy".

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, chuyện công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người dân, ai cũng bức xúc.

Ở đây, công ty này hoạt động và việc thành lập các chi nhánh tại các tỉnh, theo quy định của luật doanh nghiệp, họ được phép thành lập các chi nhánh. Vấn đề là những hoạt động của họ có vi phạm pháp luật hay không?

Tới đây, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xem xét nếu chính quyền địa phương nào để xảy ra tình trạng bán đất ảo, công ty Địa ốc Alibaba tổ chức san lấp đất, phân lô, bán nền đất rầm rộ mà các địa phương không có biện pháp thông tin và ngăn chặn kịp thời.

Như vậy, chủ tịch UBND cấp xã, phường và chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã đã thiếu trách nhiệm trong công việc của mình, buông lỏng quản lý đất đai, nếu có dấu hiệu thông đồng hoặc bao che thì tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra sẽ xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Và, chắc chắn là lãnh đạo các tỉnh liên quan vụ việc sẽ không thể vô can trong vụ án này được. Tuy nhiên, trách nhiệm tới đâu cần phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM

Cũng theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, trong trường hợp những nhân viên, giám đốc chi nhánh các công ty con của công ty Địa ốc Alibaba trước đây đã làm việc nhưng thời điểm công ty bị khởi tố, nếu công an mở rộng điều tra, có căn cứ những người này lừa đảo khách hàng, thì vẫn bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm pháp luật.

Luật sư Cường cho biết, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh Nguyễn Thái Luyện đã lừa đảo chiểm đoạt số tiền 2650 tỷ đồng thì theo Điều 174, Bộ luật Hình sự, Nguyễn Thái Luyện sẽ bị phạt từ 12-20 năm tù hoặc chung thân.

Nguyễn Lành