Môi trường

Chủ tịch Đà Nẵng sẵn sàng hầu tòa vụ nhà máy thép "đòi" 400 tỷ đồng

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, việc doanh nghiệp khởi kiện là do giữa doanh nghiệp và chính quyền không thể thương lượng. Khởi kiện ở đây là việc làm "văn minh" và TP.Đà Nẵng sẵn sàng hầu tòa.

Đó là thông tin vừa được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đưa ra trước đông đảo người dân trên địa bàn vào chiều 11/6.

Theo ông Thơ, chính quyền biết việc công ty CP Thép Dana - Ý (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) khởi kiện UBND TP.Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Vốn nhà máy thép của công ty này nằm ở cụm công nghiệp Thành Vinh (xã Hòa Liên).

Sau 20 năm phát triển, nhà máy thép bộc lộ những bất cập, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư. Từ đó, người dân liên tục kéo đến bao vây nhà máy, không cho hoạt động để phản đối.

Thanh tra của TP.Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra và đã có kết luận về sai phạm của chính quyền thời kỳ đó. Như việc, quy hoạch khu vực đó không được bố trí nhà máy thép, nhưng vẫn tham mưu bố trí nhà máy thép, gây ô nhiễm, tiếng ồn...

Bất kể nắng mưa, ngày đêm, trong một khoảng thời gian rất dài, người dân xã Hòa Liên đã vây không cho 2 nhà máy thép hoạt động.

UBND TP.Đà Nẵng ban hành các văn bản xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động nhà máy thép. Công ty CP Thép Dana - Ý cho rằng, việc lãnh đạo TP.Đà Nẵng ban hành các văn bản xử phạt, tạm dừng hoạt động của nhà máy chưa đúng quy định của pháp luật, gây tổn thất cho doanh nghiệp nên họ kiện ra tòa. Ngoài việc yêu cầu hủy các quyết định hành chính, công ty này còn đòi bồi thừơng 400 tỷ đồng.

“Trước đây, UBND TP đã báo cáo với Thường vụ Thành ủy... Thường vụ cũng đã đồng ý phương án giải tỏa dân, nhà máy thép ứng tiền rồi đền bù giải tỏa. Dân lúc đó rất thích phương án này. Nhà máy sẽ ứng tiền ra để tham gia xây dựng khu tái định cho dân, đất tại khu vực ảnh hưởng sẽ bán để lấy tiền trả lại nhà máy. Tuy nhiên, quá trình giải tỏa, chúng ta triển khai chậm, dân gây sức ép, dân cũng muốn giải tỏa nhanh. Ở đó, người dân xây dựng trái phép nhiều, gây áp lực...", ông Thơ trình bày.

Sau đó, Thường vụ Thành ủy xem xét lại và đổi phương án dừng nhà máy. Hai bên đã bàn bạc với nhau để tìm giải pháp. Nhà máy cho rằng, trước đây TP.Đà Nẵng đã cấp đầy đủ thủ tục, nhà máy không sai gì. Cũng có những vi phạm xả khói và tiếng ồn, nhưng do TP.Đà Nẵng không giải tỏa dân được, gần quá nên mới xảy ra như vậy.  

Bây giờ dừng lại không bồi thường, hai bên không gặp nhau được thì ra tòa. Tòa ra phán quyết cho công bằng, nếu tòa phán quyết do chủ quan nhà máy thì nhà máy chịu. Còn nếu do TP.Đà Nẵng làm sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì địa phương phải chịu. Ra tòa là giải pháp văn minh và công bằng”, ông Thơ nói rõ.

Cũng theo vị Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, vì doanh nghiệp và chính quyền không thương lượng được thì doanh nghiệp kiện. TP.Đà Nẵng cũng biết điều đó nên sẵn sàng hầu tòa. Khi có phán quyết của tòa án thì chúng ta cứ căn cứ theo luật mà thực hiện.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, địa phương sẵn sàng hầu tòa vụ kiện của nhà máy thép.

Như báo điện tử Người Đưa Tin đã nhiều lần phản ánh, trong 2 năm qua (2018 - 2019) câu chuyện về 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (cùng xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) trở thành sự kiện tâm điểm của ngành môi trường địa phương. Theo đó, hàng trăm người dân liên tục vây 2 nhà máy này yêu cầu dừng hoạt động vì cho rằng 2 nhà máy gây ô nhiễm. Sau thanh tra, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định xử phạt và tạm dừng hoạt động 2 nhà máy.

Dana Ý đã khởi kiện và đòi bồi thưòng từ UBND TP.Đà Nẵng như đã nói ở trên. Còn Dana Úc vẫn đang im hơi lặng tiếng.

TP.Đà Nẵng đã có kịch bản ứng phó?

Trước đó, ngày 24/4, trong một cuộc họp của UBND TP.Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng đã tiết lộ rằng: “Sau quyết định tạm dừng hoạt động, TP đã có kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, trong đó có tính toán đến vấn đề doanh nghiệp khởi kiện”.