Kinh tế vĩ mô

Chủ tịch BRG: Lãi suất phải giảm thêm 2-3% thì DN mới dám tiếp cận

Việc NHNN đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và giảm lãi suất cho vay, theo Chủ tịch Tập đoàn BRG, đây là một chính sách rất tốt và kịp thời, song cũng cần điều chỉnh.

Không chỉ là chính sách "trên báo, trên TV"

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 sáng 2/4, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, trong mấy năm vừa qua doanh nghiệp rất khó khăn.

Điển hình như trong giai đoạn Covid-19, sân golf của BRG thì đóng cửa hoàn toàn, khách sạn hoạt động 50-60% công suất. Để duy trì một lực lượng sản xuất để hồi phục sau Covid-19 là rất khó. Ban lãnh đạo của BRG có những thời điểm chỉ nhận 50% lương để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bước sang giai đoạn hiện nay, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải nỗ lực, sáng tạo để vượt qua khó khăn.

Theo bà Nga có hai thách thức chính mà doanh nghiệp cần tập trung xử lý, chuẩn bị tốt để vượt qua. Thứ nhất là khó khăn về vốn. Bà Nga nêu rõ, doanh nghiệp phải đa dạng nguồn cung ứng vốn chứ không nên quá tập trung vào nguồn vốn tín dụng.

Theo bà, nguồn vốn là "huyết mạch" của các tổ chức doanh nghiệp và để nguồn vốn không bị bất cập thì các doanh nghiệp nên kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư mới nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG (Ảnh: Thu Huyền).

Với khó khăn chung của các doanh nghiệp về nguồn vốn tín dụng, bà Nga cho biết, sau giai đoạn căng thẳng về thanh khoản, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và giảm lãi suất cho vay.

"Đây là một chính sách rất tốt và kịp thời từ Chính phủ. Vì vậy, doanh nghiệp nên mạnh dạn đến ngân hàng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp", Chủ tịch BRG nhấn mạnh.

Theo bà, không chỉ là chính sách "trên báo, trên TV" mà các ngân hàng cũng rất tích cực với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. "Tôi tin rằng hiện nay không ngân hàng nào làm trái chủ trương chính sách của Chính phủ để doanh nghiệp bớt khó khăn hơn", bà Nga nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch BRG cũng đánh giá, lãi suất hiện nay vẫn quá cao và vượt nhiều quốc gia trong khu vực. Mức lãi suất cho vay phải giảm thêm 2-3% nữa thì doanh nghiệp mới dám tiếp cận.

Ngoài vấn đề về vốn, thách thức thứ hai mà doanh nghiệp cần chú trọng là quản trị và nguồn nhân lực. Chủ tịch BRG cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực hiện đại, minh bạch.

Bà cũng thừa nhận, việc xây dựng hệ thống quản trị và nguồn nhân lực chất lượng không phải điều dễ dàng và phải tích luỹ dần theo thời gian và quá trình phát triển của doanh nghiệp.

"Chứ không thể muốn doanh nghiệp lớn là lớn ngay được. Cần phải có thời gian và từng bước một để phát triển đội ngũ doanh nghiệp", bà nói.

Mục tiêu 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp là rất khó

Mục tiêu tại Nghị quyết 45 mà Chính phủ vừa ban hành nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế".

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, mục tiêu năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 800.000 doanh nghiệp tư nhân là một thách thức rất lớn. Để đạt được con số này cần có một chính sách hỗ trợ đặc biệt để nâng tầm hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nếu không trong hai năm tăng thêm gần 700.000 doanh nghiệp mà một mục tiêu rất khó khả thi nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch BRG cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như phát triển nền tảng công nghệ số, cần có những chương trình, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ số, đưa cho doanh nghiệp những gói công nghệ để áp dụng phù hợp với quy mô từng nhóm. Doanh nghiệp lớn thì áp dụng gói gì, doanh nghiệp nhỏ có gói ưu đãi công nghệ gì, hộ kinh doanh cá thể khi lên doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chính sách, công nghệ gì, bà Nga đề xuất.

Nữ doanh nhân cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực thì mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đừng trông đợi vào giải cứu từ bên ngoài thì sẽ không khả thi. Doanh nghiệp chỉ mong một sự hỗ trợ, dẫn dắt từ chính sách vĩ mô để làm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Ảnh: Thu Huyền).

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước đây chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hiện nay mới chỉ khoảng 800.000 doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quý I/2023, có một thống kê đáng lo ngại khi cả nước có khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập.

“Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp biến mất lớn hơn số doanh nghiệp thành lập nên mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn, thiếu thực tế”, ông Ánh cho hay.

Theo ông Ánh, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với “đám sương mù" với nhiều hiện tượng lạ. Trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 – tức 3,21%.

Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng lại tăng trưởng âm; xuất khẩu suy giảm. Đầu tàu kinh tế Tp.HCM cũng chỉ tăng trưởng 0,7%, còn tỉnh trọng điểm công nghiệp như Bắc Ninh lần đầu tiên âm tới 12%.

“Đây là những dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại trong khi hiện Việt Nam không chịu bất kỳ cú sốc nào. Kinh tế Việt Nam có vẻ đang lịm dần. Với nền kinh tế đang phát triển, nếu tăng trưởng dưới 5% có thể xem là dấu hiệu suy thoái”, ông Ánh nhìn nhận.