Tài chính - Ngân hàng

Chủ tịch BIDV, Agribank lo lắng vì chậm tăng vốn điều lệ

Các lãnh đạo ngân hàng BIDV, Agribank đều cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức bức thiết, nhất là với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Khó giảm thêm lãi suất

Chiều 29/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022. Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, dự kiến đến 31/12/2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021.

Trong đó, tổng tài sản đạt 1.680 nghìn tỷ, tăng 7,3%, huy động vốn đạt 1.563 nghìn tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1.316 nghìn tỷ, tăng 8,5%. Trong năm 2021, Agribank đã thực hiện nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực, tiên phong triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khách hàng và công tác an sinh, xã hội.

Trong đó, chủ động cắt giảm chi phí hoạt động 10%, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng và giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán với tổng mức giảm khoảng 6.500 tỷ đồng cùng với 500 tỷ đồng tài trợ cho công tác an sinh xã hội và phòng, chống Covid-19.  

Nhận định về chính sách tiền tệ năm 2022, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, áp lực với chính sách tiền tệ là rất lớn. Ông cũng nhận định, thị trường chứng khoán, bất động sản nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng. Riêng về lãi suất, dư địa giảm thêm là rất khó.

“Hiện lãi suất huy động đã rất thấp, nếu giảm tiếp người gửi sẽ đầu tư vào kênh khác khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng. Mặc dù vậy, Agribank vẫn sẽ tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19”, ông Ấn cho hay.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank.

Cũng theo ông Ấn, hiện Agribank đang gặp rất nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.

Thứ nhất, do Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, việc tăng vốn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nên tăng vốn rất khó khăn. Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank.

“Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, ông nhấn mạnh.

Vì vậy, Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 tăng vốn cho Agribank, đồng thời dành ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa.

Thứ hai, theo quy định tại Thông tư 22/2019, tỉ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) giảm từ 90% xuống còn 85%. Với quy mô huy động vốn của Agribank hiện nay, tỉ lệ này đồng nghĩa với việc ngân hàng phải duy trì trên 230.000 tỷ không được cho vay.

Trong khi đó, do đặc thù nguồn vốn của Agribank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn của dân cư huy động với lãi suất cao, chiếm 82% tổng nguồn vốn, đối tượng cho vay ưu tiên lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank lớn.

Chính vì vậy, Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng tỉ lệ này cho các ngân hàng thương mại lên 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, không quy định mô hình chi nhánh trực thuộc chi nhánh trong doanh nghiệp. Quy định này không phù hợp thực tiễn mạng lưới rộng lớn của Agribank với 768 chi nhánh tại các huyện, thị xã, đang trực thuộc chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu chuyển về trực thuộc Trụ sở chính sẽ quá tải trong công tác quản lý, giám sát của Trụ sở chính.

Vì vậy, để Agribank tiếp tục được duy trì mô hình chi nhánh trực thuộc chi nhánh như hiện nay nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tín dụng và tiện ích ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Liên quan tới gói hỗ trợ lãi suất sắp được Chính phủ triển khai, ông Phạm Đức Ấn đề nghị, để khắc phục những bất cập như gói hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2008 - 2009, kính đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rõ đối tượng, phạm vi hỗ trợ.

Đặc biệt, phải tránh dàn trải và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng, tránh áp lực tổ chức tín dụng buộc phải cho vay khi doanh nghiệp có nhu cầu vay.

Hệ số an toàn vốn vẫn ở mức thấp

Cũng chia sẻ tại buổi tổng kết, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, tính đến hết 29/12, tổng tài sản đạt 1,64 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 1,582 triệu tỷ đồng, chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,5%, xếp hạng tín nhiệm được nâng cao.

Không nêu rõ con số cụ thể, song Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, kết thúc năm 2021, ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV.

Theo lãnh đạo BIDV, năm 2021, quy mô tổng tài sản hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên tới 15 triệu tỷ đồng. Các ngân hàng đã xây dựng nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, giúp thông suốt tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ thiết thực của các tổ chức tín dụng cũng đã giúp doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng vẫn khẳng định được vị thế trụ cột của nền kinh tế khi là lĩnh vực có đóng góp lớn thứ hai với GDP (chiếm tới 4,2% GDP), tổng tài sản chiếm 6,2% tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam; cung ứng cả vốn ngắn hạn lẫn trung, dài hạn cho nền kinh tế; giá trị vốn hóa các ngân hàng niêm yết chiếm 20% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán…

Mặc dù vậy, bản thân ngành ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đối với BIDV, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel 2, Basel 3 khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.

Chính vì vậy, ông Phan Đức Tú cũng đề nghị, Chính phủ, Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, trong đó có BIDV.