Tiêu dùng & Dư luận

Chủ tịch An Phước “đứng trên vai người khổng lồ” Pierre Cardin

Ngày 29/12/2020, “ông vua thời trang” Pierre Cardin tạ thế ở tuổi 98, để lại bao tiếc nuối cho các tín đồ thời trang trên thế giới, trong đó có Chủ tịch An Phước.

Mối lương duyên 23 năm

Sau sự ra đi của Pierre Cardin - ông tổ ngành công nghiệp thời trang thế giới, trái tim ông Trần Chiến - Chủ tịch HĐTV An Phước Group - luôn tràn ngập lòng biết ơn, nỗi nhớ thương và những hồi ức thật đáng kính về một đối tác kinh doanh vô cùng đặc biệt mà ông coi như người thầy lớn của mình, người dẫn dắt ông bước chân vào làng thời trang quốc tế.

Ông Trần Chiến, trong mối thâm tình kéo dài 23 năm của hai người, đã luôn được ngài Pierre Cardin nhắc đến với cái tên thân mật “Pierre Cardin Việt Nam”.

Ông Chiến bồi hồi nhớ lại: An Phước là một trong số ít công ty may tư nhân ra đời từ 1991, ngay sau khi có luật công ty, ban đầu chỉ có 40 máy may và 60 công nhân, nhận gia công hàng cho Legamex, Generalimex.

Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, An Phước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vì đối tác ngưng đặt hàng. Qua báo chí, biết tin Pierre Cardin và Việt Tiến đã chấm dứt mối quan hệ hợp tác, tôi lần mò tìm hiểu rồi đến gặp ông Nguyễn Du, Việt kiều Pháp, là người đại diện của Pierre Cardin tại Việt Nam. 

Chủ tịch An Phước - ông Trần Chiến (bên trái) gặp ông vua thời trang Pierre Cardin lần đầu vào tháng 6/1997 tại văn phòng pierre cardin ở Pháp.

Khi tôi yêu cầu ông Du giúp tôi nói chuyện với ngài Pierre Cardin ông Du rất ngạc nhiên, và sau nhiều lần thuyết phục ông Du đồng ý giúp. Ngài Pierre muốn tìm người chuyển giao License (nhượng quyền), đó là ông chủ thật, biết nghề, có công ty. Cuối cùng, vào tháng 6/1997, ông Pierre đồng ý gặp tôi ở Paris.

10h sáng một ngày tháng 6/1997, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông vua thời trang bằng xương bằng thịt. Ngài cao lớn, phong độ, nhưng thật ấm áp và gần gũi. Paris lúc đó hoa lệ lắm, ông mời tôi ăn tối ở nhà hàng Maxim trên dòng sông Seine, và kể về cuộc đời mình.

Là người Pháp gốc Ý, vốn học nghề kế toán, nhưng không kiếm được việc làm ở quê. Cuộc sống khó khăn, ông bỏ lên Paris với hi vọng đổi đời. Nhờ một sự tình cờ, Pierre Cardin lạc vào thế giới may mặc và thời trang khi ông làm phụ việc tại một tiệm may gia đình - nhà may Vichy, nơi ông bắt đầu cắt may những bộ quần áo dành cho phụ nữ.

Ông luôn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt nên đã cử ông Nguyễn Du về Việt Nam nghiên cứu thị trường trước 4 - 5 năm, và làm với Việt Tiến, chẳng may sự hợp tác đã không thành công như kế hoạch nên mới chuyển qua tôi. Ngày ra mắt cửa hàng hai thương hiệu Cardin và An Phước đầu tiên là 15/12/1997.

Một năm sau, ông Pierre Cardin sang Việt Nam, đích thân kiểm tra, sắp xếp trưng bày cửa hàng An Phước cho hấp dẫn.

Sau đó, ông Pierre còn sang Việt Nam hai lần vào năm 1999, khi tôi mời xem trình diễn thời trang gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo và năm 2010 làm từ thiện mổ tim cho các cháu. Ông vui lắm khi thấy các cửa hàng của mình ngày càng phát triển.

Thành công nhờ chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”

Trong cơn bão Covid-19, doanh thu 2020 của An Phước chỉ sụt giảm khoảng 20%, đó là một thành công, trong bức tranh màu xám tối của ngành dệt may Việt Nam.

Hỏi ông Chiến điều gì đã giúp An Phước tạo nên kỳ tích trong suốt 28 năm qua, với con số tăng trưởng luôn cao hơn năm trước trên 10%? Ông Chiến bày tỏ: “Nhờ mối lương duyên tốt đẹp với ngài Pierre Cardin từ 1997 đến giờ”.

Đến nay, An Phước đã có 162 cửa hàng khắp cả nước và là đối tác chiến lược với Pierre Cardin độc quyền phân phối phụ kiện thời trang nam thương hiệu Pierre Cardin tại Lào, Campuchia hơn 23 năm qua. Sản phẩm An Phước được các DN chọn là món quà tặng giá trị, nâng tầm thương hiệu quốc gia mỗi dịp lễ, Tết. 

Ông Pierre Cardin khảo sát cửa hàng Pierre Cardin – An Phước tại khách sạn New World năm 1999

Nối tiếp thành công nhờ “đứng trên vai người khổng lồ” Pierre Cardin, Chủ tịch An Phước kiên định chiến lược này thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) liên tục.

Một số thương vụ có thể kể đến như mua lại công ty may Tân Bình Minh năm 2008, công ty Tân Việt, nhà máy Tosgamex của tập đoàn Tomiya và Sumitomo năm 2010, mua lại công ty Thương mại Kinh doanh thời trang Gebr Weiss tại Aschsffenburg Đức.

Năm 2011, An Phước tăng vốn lên 450 tỷ đồng và hoàn tất mua lại nhà máy FLD Việt Nam của SPATZ- Pháp tại Nha Trang chuyên sản xuất đồ lót nữ thương hiệu Anamai (Pháp) và Bonjour (Việt Nam) xuất sang Pháp, Canada, Nhật. Hiện tại chuỗi thương hiệu này có 80 cửa hàng trên cả nước.

Năm 2018, An Phước mua lại công ty thương mại ITO Clothing tại 5498-3 Shimouchi, Seki City, Gifu, Osaka, Nhật Bản, chuyên sản xuất suit, jacket, quần tây… Cũng vào năm 2018 An Phước mua lại nhà máy Aomori tại 5-7 Koyashiki Zoe, Shimomenaisawa, Kuroishi, Aomori, Nhật Bản.

Chính chiến lược M&A liên tục này đã giúp An Phước đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ rất sớm, từ đó làm bàn đạp lấy khách hàng về Việt Nam, sản xuất và xuất ngược ra thế giới.

Ông Pierre Cardin gặp gia đình ông Trần Chiến tháng 10/1999

Giờ đây, bước vào phòng làm việc của ông Chiến, thấy tràn ngập hình ông với Pierre Cardin, mỗi bức hình gắn với từng bước chuyển mình của An Phước, gắn với tình thầy trò keo sơn bất chấp khoảng cách địa lý. Sự ra đi của người thầy 98 tuổi Pierre Cardin dường như để lại trong ông Chiến một khoảng trống vô bờ và nỗi nhớ thương không nguôi. 

Ông Chiến nhớ lại, mỗi lần qua Pháp đi ăn cơm với Pierre Cardin, ông luôn hỏi thăm về Việt Nam, hỏi thăm An Phước làm ăn thế nào. Tình bạn ấy suốt 23 năm chưa bao giờ có sứt mẻ gì, lúc nào cũng vui vẻ. Ông Pierre Cardin không bao giờ hỏi ông Chiến về con số, chỉ cần biết chất lượng hàng hóa tốt, làm ăn tốt thôi.

“Năm 2017 khi tôi đề nghị ông chuyển giao License vĩnh viễn hết cho An Phước 20 dòng sản phẩm, ông đồng ý liền.Tôi hãnh diện là một người Việt Nam làm ăn với ông 23 năm không có vấn đề gì xảy ra”, Chủ tịch An Phước nói. 

Công ty TNHH May thêu giày An Phước được thành lập từ cơ sở An Phước năm 1992 tại miền Nam, khởi nguồn là một xưởng may gia công xuất khẩu cho công ty Nhật Bản là Nissho Iwai, Itochu… Đến nay, sau 28 năm, An Phước đã trở thành một trong 20 công ty gia đình hàng đầu tại Việt Nam.

Theo Forbes Việt Nam

H.Y (t/h)