Dân sinh

Chú rể bị ném xuống tuyết từ độ cao 5m trước mặt cô dâu vì tục lệ này

Lễ hội Mukonage (ném chú rể) được tổ chức vào ngày 15 tháng 1 hàng năm và đã có bề dày lịch sử lên đến hơn 300 năm.

Được biết lễ hội này diễn ra tại khu vực suối nước nóng Matsunoyama, thành phố Tokamachi, tỉnh Niigata, phía bắc Nhật Bản. Thời điểm này khung cảnh nơi đây được phủ một màu trắng xóa của lớp tuyết dày đặc.

Các chú rể sẽ được khiêng từ nhà đến nơi thực hiện nghi lễ.

Theo truyền thống, những người đàn ông vừa kết hôn trong khoảng 1 năm sẽ được khiêng tới con dốc cao 5m cạnh ngôi đền gần nhất rồi thả tự do từ trên cao xuống.

Vì được ném xuống nơi có tuyết phủ dày đặc nên chú rể sẽ không gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Nghi lễ được thực hiện ngay trước mặt vợ của người bị ném và thái độ lo lắng của các cô dâu mới cũng phần nào là căn cứ để đánh giá sự quan tâm cũng như tình cảm mà cô gái dành cho đức lang quân của mình.

Những chú rể mới sẽ được khiêng trên vai từ nhà và diễu hành khắp thị trấn ra đến chỗ ném, đặc biệt, chân họ không được chạm đất. Như một phần của sự kiện, các chú rể sẽ uống một vài ly sake trước khi được mang đến đỉnh đồi. Rượu giúp người bị ném chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt khi bị rơi xuống tuyết.

Việc ném chú rể xuống tuyết được cho là sẽ giúp xua đuổi điều không may, tai họa, bệnh tật cho chàng rể và mang tới hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới.

Việc bôi tro lên mặt được cho là để tránh các linh hồn tà ác.

Sau đó, chàng rể được giao nhiệm vụ đốt lửa để lấy tro trộn với tuyết và thực hiện một hoạt động có tên Suminuri. Theo đó, các thành viên trong gia đình sẽ bôi tro lên mặt nhau như một cách để bảo vệ người thân khỏi các linh hồn tà ác, quỷ dữ.

Theo tìm hiểu, nghi lễ “ném chú rể” bắt nguồn từ sự trả thù của người dân địa phương vì chú rể đã "cướp" mất cô gái trong làng. Sau khi hoàn thành các thủ tục, chú rể mới chính thức được ghi nhận là thành viên của mảnh đất này.

Phong tục độc đáo này ngày càng được nhiều người biết đến.

Không chỉ thu hút sự chú ý của đông đảo người dân lễ hội Mukonage ngày càng nhận được sự quan tâm của truyền thông và du khách. Rất nhiều khách du lịch cũng như nhiếp ảnh gia đã tìm đến nơi đây để tận mắt chứng kiến phong tục độc đáo này.

Minh Hoa (t/h)