Sự kiện

Chủ nhân máy ATM gạo, khẩu trang được giải thưởng của TP.HCM vinh danh

Trong năm thứ 3 tổ chức, giải thưởng nhận được 303 hồ sơ tham dự trên nhiều lĩnh vực, góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của TP.HCM.

Chiều 28/11, sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã công bố, trao giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 (I-Star) để vinh danh 10 cá nhân, tổ chức có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp năm 2020.

Điểm mới năm nay là sự xuất hiện danh mục dành cho các giải pháp phục vụ cộng đồng trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19.

Sau gần 6 tháng kể từ khi phát động, ban tổ chức đã nhận được tổng số 303 bài dự thi thuộc 4 nhóm. Trong đó nhiều nhất là nhóm Doanh nghiệp khởi nghiệp với 173 bài dự thi, tiếp theo đó là nhóm tác phẩm truyền thông với 54 bài.

Nhóm giải pháp đổi mới sáng tạo với 41 bài và nhóm tổ chức, cá nhân hỗ trợ với 35 bài. Cuộc thi năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp gửi bài tham dự.

Qua đánh giá, 40 dự án có lượt bình chọn cao nhất đã lọt vào vòng chung kết và được hội đồng giám khảo đánh giá, lựa chọn ra những dự án xuất sắc nhất.

Niềm vui mà những chiếc máy ATM gạo thông minh đem lại trong bối cảnh dịch bệnh.

Xuất hiện trong thời điểm xã hội kêu gọi các chương trình thiện nguyện, mô hình máy ATM gạo – khẩu trang cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch của công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHGLock) đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi tại chương trình trao giải.

Ông Hoàng Tuấn Anh, đại diện đơn vị sáng tạo mô hình máy ATM gạo - khẩu trang chia sẻ rằng doanh nghiệp của mình cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác.

“Nhưng khi chứng kiến Chính phủ nỗ lực hỗ trợ rất nhiều cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng và muốn truyền lại cảm hứng cho những cá nhân, doanh nghiệp khác để mọi người cùng chung tay giúp ích cho xã hội”, ông Tuấn Anh nói.

 Vì dịch bệnh mà các bên muốn phát gạo gặp nhiều trở ngại nên với cách thức công nghệ, ông Tuấn Anh cùng cộng sự chế tạo ra máy ATM gạo. Từ đó tạo giải pháp để người phát gạo và người nhận gạo không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Đến nay, máy đã phát được 1 triệu lượt người nhận gạo, với số lượng tương đương 3.000 tấn gạo.

Giám đốc sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng và Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Nguyễn Anh Thi trao giải cho các giải pháp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mạnh Linh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ mong muốn kết nối các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành trung ương và cộng đồng nghiên cứu khoa học trí tuệ sáng tạo để hỗ trợ TP.HCM trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo.

Đặc biệt  là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực quản trị nhà  nước, dịch vụ công, sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực trong đời  sống, xã hội.

“Chính quyền TP.HCM mong muốn lắng nghe các tầm nhìn, kinh nghiệm từ cộng đồng nghiên cứu trí tuệ  nhân tạo để chia sẻ những tri thức đó, hướng đến những ứng dụng cụ thể cho chương trình phát triển của Thành phố, đưa những tri thức đó thành hành động cụ thể, đưa những ứng dụng trí tuệ nhân tạo thành hiện thực tại Thành phố cũng như cả nước”, ông Đức khẳng định.