Đời sống

Chú hươu có "1-0-2", nhiều người trả giá "khủng" chủ vẫn không bán

Chú hươu "hiếm có khó tìm này" đã mang lại nguồn kinh tế lớn cho một gia đình ở Hà Tĩnh.

Thông thường một con hươu sao bình thường sẽ có 2 sừng, 4 nhánh nhung, thế nhưng chú hươu của gia đình anh Lương Quốc Sơn ở Hà Tĩnh lại rất đặc biệt khi mọc 3 sừng với 6 nhánh thu hút sự chú ý của người dân.

Nói về chú hươu sao "độc nhất vô nhị" này, anh Lương Quốc Sơn (48 tuổi, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết , con hươu trên hiện đã được 7 năm tuổi, từ khi bắt đầu mọc nhung đã có 3 sừng.

Hình ảnh chú hươu độc lạ.

Chú hươu hiếm khi có 3 đế nhung mọc trên đầu, cho ra 3 sừng, 6 nhánh nhung kích thước khá bằng nhau. Tại vị trí phần đầu một bên có 2 sừng, bên còn lại một sừng. Theo chủ nhân, đây là trường hợp hy hữu, hiếm có trên địa bàn vì bình thường mỗi con hươu chỉ có 2 sừng mọc lên từ 2 đế với 4 nhánh nhung.

"Gia đình tôi đã nuôi con hươu này được 7 năm. Ngay tư khi còn nhỏ, con hươu này đã có 3 đế riêng ở trên đầu và phát triển rất tốt, khi phát hiện ra ai cũng ngạc nhiên. Chú hươu này cũng được gia đình chăm sóc như những con hươu khác tại chuồng mà thôi", anh Sơn chia sẻ với Tiền Phong.

Chú hươu đực "hiếm có khó tìm này" đã mang lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình ông Sơn. Mỗi năm cho cắt 2 lứa nhung, mỗi lần đạt trọng lượng khoảng 1,5 đến 1,6kg, thu về 30-40 triệu đồng/năm. Hiện tại con hươu này đang mọc sừng, khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch.

Cũng theo ông Sơn, đã từng có nhiều người đến trả giá cao để mua chú hươu này nhưng gia đình không bán. Ông quyết định để nuôi làm giống.

Tại gia đình ông Sơn đang nuôi 14 con hươu, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nhờ sở hữu con hươu đặc biệt này, gia đình ông Sơn có thu nhập ổn định.

Hươu sao là một loài động vật quý hiếm, tuy nhiên nó được thuần dưỡng và nuôi thương mại từ lâu đời ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nuôi hươu lấy nhung đã trở thành nghề chăn nuôi truyền thống và mang lại thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Tiến Thích, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn chia sẻ với Người Lao Động, con hươu 3 đế 6 nhánh của gia đình anh Sơn là rất đặc biệt, ít khi xuất hiện.

"Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng gần 4.000 con hươu đang được người dân nuôi để lấy nhung. Nghề nuôi hươu lấy nhung đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, từ đó giúp cho kinh tế hộ gia đình ngày càng khấm khá, từng bước xây dựng nông thôn mới một cách bền vững", ông Thích nói.

Nhung hươu là gì?

Nhung hươu hay còn gọi là lộc nhung chính là sừng non của con hươu đực. Thông thường vào mùa hè sừng hươu sẽ rụng đi, đến mùa xuân năm sau sẽ mọc sừng mới trở lại. Sừng mới mọc thường rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông, bên trong chứa nhiều mạch máu, mô sụn, sờ vào êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.

Có thể bạn chưa biết nhung hươu giá khá đắt đỏ và là một vị thuốc quý được nhiều người sử dụng để hỗ trợ bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ cải thiện bệnh. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ về tác dụng của nhung hươu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích và ứng dụng nhung hươu vào chăm sóc sức khỏe con người.

Theo phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng của sừng hươu gồm có: Magie, Stronti, canxi, phốt pho, kali, kẽm, nhôm, các loại acid amin…

Phân tích hàm lượng acid amin có trong lộc giác và nhung hươu cho thấy, tổng hàm lượng acid amin trong nhung hươu đạt 50,13%, hàm lượng trong lộc giác là 35,14%, ngoài ra còn có nhiều acid amin khác.

Trúc Chi (t/h)