Hồ sơ doanh nghiệp

Chủ hãng rượu Vodka Hà Nội thua lỗ 6 năm liên tiếp

Khoản lỗ gần 6 tỷ đồng quý IV/2021 đánh dấu quý thứ 15 liên tiếp lỗ của huyền thoại Vodka Hà Nội một thời, nâng mức lỗ lũy kế lên 468 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu.

CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ ròng quý thứ 15 liên tiếp.

Cụ thể, trong quý IV/2021, doanh thu thuần đạt 35 tỷ đồng, tăng 30% so với quý IV năm ngoái, lãi gộp đạt gần 7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020, mức lãi gộp này đã tăng gần gấp đôi và tăng gấp 3,5 lần nếu so với quý III/2021 liền trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, Halico vẫn chịu lỗ gần 5,9 tỷ đồng, khoản lỗ này đã cải thiện so với khoản lỗ hơn 10 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.

Tính trong cả năm 2021, nhà sản xuất rượu ghi nhận 102 tỷ đồng doanh thu, biến động không nhiều so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng gần 24 tỷ đồng sau thuế. So với năm liền trước, dù doanh thu của Halico chỉ ở mức tương đương nhưng đã giảm đáng kể số lỗ ròng năm 2020 (31 tỷ đồng). Tuy vậy, kết quả này vẫn đánh dấu năm thua lỗ thứ 6 liên tiếp của doanh nghiệp và là quý thứ 15 lỗ liên tiếp. Tính đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Halico lên tới 468 tỷ, cao gấp rưỡi so với vốn điều lệ hiện là 200 tỷ đồng.

Năm vừa qua, Halico đặt mục tiêu 114,6 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ trước thuế 30 tỷ. Như vậy, công ty đã không hoàn thành mục tiêu doanh thu, tuy nhiên khoản lỗ trước thuế của Halico đã giảm đáng kể. Lãnh đạo Halico cho biết nguyên nhân chính khiến lỗ quý IV/2021 thấp hơn so với cùng kỳ là nhờ doanh thu phục hồi khi thị trường phía Bắc bước vào mùa lạnh, nhu cầu tiêu thụ rượu tăng lên.

Cùng với đó, các khoản giảm trừ doanh thu từ chiếu khấu thương mại cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, các khoản tăng từ doanh thu bán hàng vẫn chưa đủ để bù đắp hết chi phí hãng phải chi ra mỗi quý, kết quả là lợi nhuận vẫn báo âm.

Halico là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất rượu lớn và lâu đời, được thành lập năm 1898 tại 94 Lò Đúc. Đây cũng từng là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Công ty Fontaine của Pháp xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp vào thời gian đó. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều thương hiệu như Lúa mới, Nếp mới, Vodka Hà Nội, Ba Kích Sealion... Kết quả kinh doanh những năm trước 2010 của doanh nghiệp rượu 120 năm tuổi này đều ghi nhận khả quan.

Đà đi xuống của Halico đến sau khi hoạt động buôn lậu rượu bị phát hiện với chuyến hàng rỗng xuất khẩu sang Lào ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Hàng loạt lãnh đạo công ty bị khởi tố hình sự sau sự việc, hoạt động kinh doanh lao dốc, thua lỗ triền miên suốt nhiều năm. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chấm dứt tư cách công ty đại chúng của Halico trong thời gian này.

Bên cạnh đó, trong Báo cáo tài chính những năm gần đây, lãnh đạo Halico lý giải nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng với mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu riêng ngày một khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình thức, bao bì mẫu mã... Xu hướng người tiêu dùng tự mang rượu đến nhà hàng cũng ngày càng lớn. 

Đặc biệt, Halico cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và các hãng rượu khác và tình trạng trốn lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân. Điều này khiến cạnh tranh trong kinh doanh không lành mạnh, công bằng. Nhu cầu sản xuất thấp so với năng lực của Nhà máy dẫn tới không giảm được giá thành sản xuất