Giáo dục

Chủ động gỡ khó chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị đánh giá triển khai việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm 2022 – 2023 được tổ chức tại Tp.HCM.

Ngày 13/12, tại Tp.HCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 với sự tham dự của đại diện các sở GD&ĐT.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ rất lớn của toàn ngành hiện nay là triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đây là việc lớn và khó, với nhiều nội dung công việc mà ngành đã, đang và sẽ triển khai.

Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ 2019, hoàn thiện vào năm 2025, với tính chất rất lớn, mới, nên sau mỗi năm cần có đánh giá sơ kết.

Tinh thần của Bộ GD&ĐT là thường xuyên trao đổi về những phát sinh để cùng nhau xử lý. Hội nghị hôm nay là đánh giá giữa kỳ, nhằm có những trao đổi sâu hơn về chương trình GDPT 2018.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 vẫn còn tình trạng chưa có sự thống nhất trong hiểu về chương trình, mỗi nơi có những sáng tạo, điểm vướng, khó khăn khác nhau.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung như: trao đổi về khó khăn trong quá trình triển khai, việc triển khai cơ sở vật chất, các điều kiện khác; việc đổi mới phương pháp, đánh giá; việc dạy các môn tích hợp; một số các nội dung chuyên sâu; những vấn đề về văn hoá học đường, an toàn trường học. Các đại biểu cần thẳng thắn trao đổi, cùng nhau nhìn rõ những mặt tích cực, những tồn tại để cùng tìm giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Giáo Dục Thủ Đô.

Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 – 2023 sẽ diễn ra trong một ngày. Các đại biểu sẽ chia làm 3 nhóm Bắc, Trung, Nam để thảo luận những vấn đề khó khăn của các địa phương khi triển khai thực hiện chương trình. Sau đó, đại diện các Sở GD&ĐT sẽ thảo luận chung tại hội trường.

Trúc Chi (theo Người Lao Động, Giáo Dục Thủ Đô)