Chat với chuyên gia

Chồng gây thiệt hại khi ly thân, vợ có phải cùng bồi thường?

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Bạn Kim Phượng (Phường 1, TP. Bạc Liêu) hỏi: Tôi và chồng đã ly thân từ năm 2018. Một thời gian sau, anh lái xe trong lúc có hơi men, gây tai nạn và giờ vẫn chưa trả hết tiền bồi thường theo phán quyết tòa án, quan hệ vợ chồng càng thêm căng thẳng.

Hiện tại vợ chồng tôi đang tiến hành các thủ tục để ly hôn. Xin hỏi, luật pháp quy định về vấn đề này như thế nào? Nếu chồng tôi đồng ý để lại toàn bộ tài sản chung của vợ chồng cho tôi, thì tôi có phải liên đới bồi thường hay không?

Luật sư trả lời:

Luật hôn nhân gia đình 2014 không thừa nhận vấn đề ly thân, cũng không quy định ly thân trong thời gian bao lâu thì được phép ly hôn.

Theo đó, ly thân được hiểu đơn giản là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản như chẳng hạn như con chung và tài sản chung.

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường…

Ngoài ra, Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản.

Đơn cử như nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng… Đối với những nghĩa vụ này, người chồng hoặc vợ không có trách nhiệm phải liên đới thực hiện.

Đối chiếu với các quy định trên, chồng bạn có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại sau vụ tai nạn giao thông theo phán quyết của tòa án và bạn không có nghĩa vụ phải bồi thường chung (trừ trường hợp bạn tự nguyện).

Tuy nhiên, nếu việc bồi thường là một khoản tiền lớn, mà khoản tiền đó chồng bạn không có khả năng thanh toán bằng tiền lương hay các khoản thu nhập khác, nếu người được thi hành án yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án vẫn có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Trong đó, không loại trừ trường hợp sẽ xử lý tài sản chung của vợ chồng để thi hành án (phần của chồng bạn sẽ được khấu trừ để thi hành án).

Đối với vấn đề ly hôn, ngay cả khi chồng bạn đồng ý để lại toàn bộ tài sản chung của vợ chồng cho bạn quản lý, không nhận bất cứ tài sản gì (đây giống như một dạng chuyển dịch tài sản để né thi hành án) thì trước đó, phần tài sản của chồng bạn vẫn phải được trừ đi các nghĩa vụ của mình. Các khoản nợ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải được ưu tiên giải quyết trước. Nếu còn dư, thì chồng bạn có quyền trao hết tài sản cho bạn.

Mọi thắc mắc của bạn về các vấn đề hôn nhân, gia đình sẽ được đội ngũ chuyên gia, luật sư, bác sĩ của "Chát với chuyên gia" trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin Pháp Luật giải đáp một cách chi tiết, tận tình nhất. Hãy gửi những vấn đề của bạn cho chúng tôi theo địa chỉ mail: suachuahonnhan@nguoiduatin.vn

Hoàng Mai