Gia đình

Chồng đề nghị vợ “ly hôn giả” vì sở thích quái dị

Vì muốn có nhiều con nên người chồng đã yêu cầu vợ “ly hôn giả” để được danh chính ngôn thuận với “người thứ ba”. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã được nghe câu chuyện khá bi hài này từ một luật sư chuyên giải quyết vấn đề hôn nhân và gia đình.

Chồng yêu cầu được “ly hôn giả”

Đến giờ, luật sư Nguyễn Văn Tú – Giám đốc công ty Luật Fanci (Hà Nội) cũng không nhớ mình đã giải quyết bao nhiêu cuộc ly hôn cho các cặp vợ chồng. Thế nhưng, không phải trường hợp ly hôn nào cũng hy hữu như câu chuyện mà anh phải lao tâm khổ tứ và đau đáu mãi.

Luật sư Tú nhớ rằng, trong một chiều mưa, anh nhận được một ca tư vấn của người phụ nữ còn khá trẻ quê gốc Bắc Giang nhưng lập nghiệp cùng chồng tại Hà Nội. Chị L. vừa khóc vừa nói rằng, sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở thì mới quyết định tìm đến luật sư. L. tâm sự cô ấy lấy chồng năm 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất thời con gái, khi cưới cô ấy không hề biết rằng người chồng của mình đã từng có một đời vợ.

Sau khi cưới xong, L. theo chồng ra Hà Nội sinh sống và lập nghiệp. Cuộc hôn nhân của họ khi ấy dựa trên tình yêu, bởi, thời điểm ấy cả 2 người yêu thương nhau thật lòng, tạo dựng mọi thứ với nhau cũng rất chân thành. Họ có với nhau hai người con và L. luôn được chồng dạy cách buôn bán, tạo dựng sự nghiệp. Vì thế, kinh tế của gia đình họ lên rất nhanh, con cái học hành chăm chỉ.

Hạnh phúc mong manh cho một cuộc hôn nhân.

Thế nhưng “hạnh phúc chẳng tày gang” khi người chồng của L. lại có sở thích “quái dị” đó chính là đẻ nhiều con. Nhưng L. lại cho rằng, chỉ hai con đã là đủ lắm rồi vì họ đã có đủ nếp đủ tẻ.

Khi chồng nói đã có “người thứ ba", anh chồng đề xuất với vợ “ly hôn giả” vì anh ta chỉ coi L. là người vợ duy nhất. Nhưng, nếu ra tòa ly hôn thì ngưới thứ 3 có thể đứng tên trên giấy kết hôn và sinh con cho anh ta.

“L. đã khóc và suy nghĩ rất nhiều, cô ấy nói rằng một là cô ấy muốn có vợ chồng đàng hoàng, hai là bỏ hẳn chứ không thể chung đụng hay làm giả điều gì được. Rồi, cô ấy nói với tôi “thôi em nhất định phải bỏ chứ em không thể chịu đựng cuộc sống thế này nữa”.

Tôi hỏi vì sao thì cô ấy cười, một nụ cười đau đớn. Anh chồng cô ấy những tưởng là người đàn ông lịch thiệp ai ngờ lại là người gia trưởng, nhà cao cửa rộng không ở mà cho thuê để kiếm tiền còn bắt vợ con thuê nhà chật hẹp để ở. Và cô ấy đã quyết định làm hồ sơ gửi lên Tòa án”, luật sư Tú chia sẻ.

10 năm “chiến đấu" trong cuộc hôn nhân của chính mình

Luật sư Tú cũng cho biết, mỗi một cuộc ly hôn đều phức tạp và cuộc hôn nhân của chị L. không ngoại lệ. Con họ còn rất nhỏ, thêm chuyện người chồng lại có con riêng với người thứ 3. Thời điểm đó tòa đưa ra ý kiến là chỉ giải quyết trên mặt tình cảm cho hai người ly hôn, con thì vợ  nuôi cả hai, mỗi tháng anh chồng chu cấp là 2 triệu đồng, còn tài sản chung hay riêng thì do hai bên tự thỏa thuận.

Tưởng chừng cuộc ly hôn dừng lại ở đây nhưng nó lại kéo dài bởi ba mẹ con họ không có chỗ ở khi hợp đồng nhà thuê đã đến hạn và ba mẹ con họ không còn khả năng chi trả. L. quyết định chuyển về ngôi nhà mình đứng tên sổ đỏ, nhưng tại đây lại có doanh nghiệp đang thuê.

Từ đây cuộc chiến nhà ở căng thẳng đến mức họ không còn muốn nhìn mặt nhau. Sự căng thẳng kéo dài rất nhiều năm liền và đến thời gian gần đây mới là phiên tòa cuối cùng của cuộc ly hôn và tranh chấp nhà này. Họ đã kết thúc sau gần 10 năm “chiến đấu” trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Luật sư Nguyễn Văn Tú.

“Có thể, cuộc tranh chấp này đến hồi kết nhưng lại ảnh hưởng rất xấu đến hai đứa trẻ. Một mặt, chúng sẽ trưởng thành hơn so với những đứa bạn cùng trang lứa vì đã trải qua sự đổ vỡ và tổn thương. Chúng thật sự là những đứa trẻ độc lập, tự đi làm, tự học hành, tự xây dựng những mối quan hệ xã hội riêng của chúng.

Nhưng mặt khác chúng lại có thêm suy nghĩ hận thù trong lòng, đó là hận người bố của mình. Vì thế, bất kỳ người bố, người mẹ nào trước khi đưa ra quyết định gì hãy nghĩ đến tương lai của con. 10 năm với bố mẹ không phải dài, nhưng với những đứa con thì đó là cả quãng thời gian để chúng lớn lên, hình thành nhân cách và bước đến tương lai”, luật sư Tú phân tích.

Đây chính là cuộc hôn nhân đã cho luật sư Tú rất nhiều suy nghĩ. Một cuộc hôn nhân đổ vỡ đã khiến cả gia đình phải "đường ai nấy đi", khiến những đứa con không có đủ tình yêu thương của cả bố và mẹ trong cuộc sống sau này. Có lẽ, những năm tháng sau đó, khi nhìn lại họ sẽ cảm thấy ân hận, day dứt khi đã hành hạ nhau trong cuộc hôn nhân của chính mình. Dù 10 năm hay 20 năm sau họ cũng khó lòng quên được!

Mai Thu