Đối thoại

Chờ đợi “tư lệnh ngành” trả lời đúng và trúng 4 nhóm vấn đề chất vấn

Các ĐBQH kỳ vọng, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời trách nhiệm, đúng và trúng vấn đề, trong đó làm sáng tỏ các vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm.

Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4 - 6/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

4 Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính là: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Tại phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

4 nhóm vấn đề chất vấn được cử tri đặc biệt quan tâm

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, các vấn đề chất vấn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch đang được người dân cả nước vô cùng quan tâm.

Các “Tư lệnh ngành” đã có báo cáo bằng văn bản gửi tới Quốc hội và các ĐBQH cũng chuẩn bị tâm thế, chuẩn bị câu hỏi cho phiên chất vấn. 

Đại biểu đoàn Đồng Tháp Trong nhấn mạnh mối quan tâm lớn nhất cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo đó, bày tỏ quan ngại về tình trạng suy thoái tài nguyên hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà.

Ông Hoà nhấn mạnh vấn đề đối với ĐBSCL cũng vô cùng cấp bách khi tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, gây tổn hại và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, nhất là tại các khu vực ven biển.

"Ví dụ như tại Bến Tre, Tiền Giang, người dân phải sử dụng nước biển pha với nước ngọt cho hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Mỗi ngày có hàng nghìn xe bồn chở nước ngọt đổ về Gò Công, Bến Tre để hỗ trợ nước ngọt cho người dân”, ông Hoà trăn trở.

Với kiểm toán, ông Hoà cũng cho rằng, đây là lĩnh vực đóng vai trò và có vị trí vô cùng quan trọng. Đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, theo báo cáo, trong thời gian qua, kiểm toán đã thể hiện hết tinh thần, trách nhiệm. Sau kiểm toán, các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục xử lý, cả về mặt hình sự, đối với những đối tượng sai phạm. Tuy nhiên, có những trường hợp người dân phản ánh về việc kiểm toán viên, đối tượng kiểm toán còn có hành vi tiêu cực và bao che.

“Ví dụ như vụ SCB vừa qua. Nếu kiểm toán khách quan, chính xác thì qua 3 lần kiểm toán có thể phát hiện các hành vi sai phạm của SCB và kiến nghị xử lý. Như vậy sẽ không có sự việc “sập hầm hố” của bà Trương Mỹ Lan”, ông Hòa nói.

Chất vấn đúng và trúng nội dung trọng tâm

Cũng trao đổi trên hàng lang, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh vai trò giám sát đặc biệt quan trọng của Quốc hội thông qua phiên chất vấn, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của các đại biểu dân cử trước các cử tri.

Theo ông Sơn, công tác chuẩn bị cho Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 này đã được tiến hành hết sức kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn sớm các nhóm vấn đề chất vấn, tạo điều kiện thuận lợi để các Bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm trả lời chính rà soát, đánh giá và có báo cáo chi tiết về các nhóm vấn đề chất vấn.

“Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, chất vấn đúng và trúng những nội dung trọng tâm, truyền tải hết mong muốn, gửi gắm của cử tri tới các bộ trưởng, trưởng ngành”, ông Sơn nói.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn Hà Nội.

Đặc biệt quan tâm đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu hàng loạt vấn đề liên quan đến đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên; vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Bên cạnh đó là chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử của đất nước để phát triển công nghiệp văn hóa; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; chính sách huy động nguồn lực xã hội trong phát triển ngành du lịch; việc vận hành của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…

Đại biểu đoàn Hà Nội kỳ vọng sẽ nhận được những câu trả lời “đúng” và “trúng" cho những vấn đề này.

“Tôi kỳ vọng, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời trách nhiệm, thấu đáo, đúng và trúng vấn đề, trong đó làm sáng tỏ các những vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm. Từ đó, có những giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc, để tạo ra những chuyển biến tích cực, đáp ứng sự tin tưởng các ĐBQH và cử tri cả nước”, ông Sơn chia sẻ.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, đoàn Đồng Nai.

Đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) chia sẻ, 4 vấn đề lựa chọn để đưa ra chất vấn rất sát với tình hình thực tế hiện nay. Đặc biệt là vấn đề môi trường đang rất được bà con cử tri quan tâm. Bên cạnh đó là vấn đề quản lý thị trường của ngành Công Thương hay vấn đề của ngành Văn hoá.

Thu Huyền - Hoàng Bích