Đời sống

Cho đỉa hút máu để trị bệnh ở Thái Lan

Đoạn video mới đây về những con đỉa khổng lồ được nuôi để sử dụng điều trị bệnh ở một phòng khám tại Thái Lan đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Theo Newsflare, tại phòng khám Baan Khun Suk ở thủ đô Thái Lan, các bác sĩ đang dùng phương pháp điều trị sử dụng đỉa y tế để hút một lượng máu nhỏ từ cơ thể bệnh nhân gọi là “liệu pháp trị liệu bằng hirudo”. Mỗi buổi điều trị kéo dài từ 45 phút đến 1 giờ, mỗi khách hàng sẽ sử dụng một bộ đỉa khác nhau.

Bác sĩ tại phòng khám cho biết: “Mọi bệnh nhân đều được lấy đỉa tươi để điều trị. Liệu pháp cải thiện lưu thông máu, giảm sưng và cũng giảm đau cho bệnh nhân.

Thoạt nhìn có thể đáng sợ, nhưng việc điều trị không hề đau đớn chút nào. Cảm giác như bị kiến ​​cắn. Nhiều bệnh nhân của chúng tôi cảm thấy giảm đau tức thì sau mỗi buổi điều trị”.

Đã có một số nghiên cứu và báo cáo trường hợp cho thấy liệu pháp trị liệu bằng đỉa, có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với một số tình trạng bệnh nhất định.

Các tình trạng mà liệu pháp trị liệu bằng hirudo có thể điều trị bao gồm tắc nghẽn tĩnh mạch, kiểm soát cơn đau, bệnh tim mạch và tình trạng một số bệnh ngoài da.

Các bác sĩ khuyến cáo, liệu pháp hirudo là một phương pháp điều trị y tế chỉ nên được thực hiện bởi một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ và không nên tự thử tại nhà.

Dùng đỉa hút máu độc tại bệnh viện. (Ảnh: Leech.com).

Theo Vnexpress, tại Việt Nam, đông y cũng dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Thuốc có vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh... Một số tài liệu cho thấy đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh... Trong cuốn Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...

Mỗi ngày người bệnh nên dùng 2-4 g đỉa khô, kết hợp với một số vị thuốc khác như nga truật, tam lăng, xuyên sơn giáp, đan sâm, đương quy... Những người ứ trệ huyết thì cấm dùng. Người bệnh cần được thầy thuốc khám và hướng dẫn sử dụng bài thuốc đặc trị phù hợp với bệnh và thể trạng.

Trong một bài đăng trên báo điện tử Sức khỏe và Đời sống vào ngày 12/7/2019, có đề cập đến, các thập niên qua, đỉa đã đặt nền tảng cho y học hiện đại. Các nhà sinh học phân tử đã xác định được rất nhiều hợp chất có trong nước bọt của loài đỉa, có thể giúp giảm viêm, khử trùng vết thương, giãn mạch máu và ngừa máu đông. Các bác sĩ lâm sàng đã sử dụng những hợp chất này để giảm đau đầu gối do viêm xương khớp; chứng máu tụ (vết thâm tím) và phục hồi cho bệnh nhân sau cấy ghép mô và phẫu thuật tái tạo.

Năm 2004, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ra tuyên bố đỉa cùng với giòi ăn thịt sống bám trên các vết thương đang thối rữa có thể dùng cho y học; hoặc dùng cho các phẫu thuật phức tạp như nối các ngón tay hoặc cấy ghép vạt da.

Để giải thích việc dùng đỉa trong các phẫu thuật này, GS. Marcia Barnes, tại Đại học Cumberland (Hoa Kỳ), cho biết: Phần cơ thể sau khi được ghép phải được kết nối với các động mạch, tĩnh mạch và gân. Cần có thời gian để máu chảy ổn định qua các tĩnh mạch sau phẫu thuật. Nhưng sự tắc nghẽn dòng chảy của máu có thể khiến mô mới được ghép bị hỏng và đỉa sẽ giúp dòng máu không bị tắc nghẽn.

Tại các bệnh viện đều có hướng dẫn nghiêm ngặt về cách dùng đỉa. Các y tá không dùng quá 6 con đỉa tại một thời điểm trên người bệnh nhân. Sau khi con đỉa xong việc, nó sẽ được ngâm trong một dung dịch tẩy và cũng không được thả lại thiên nhiên.

Clip: Đỉa khổng lồ được nuôi để sử dụng điều trị bệnh ở một phòng khám tại Thái Lan.

Quốc Tiệp (t/h)