Tiêu điểm thế giới

Chính trị gia người Italia phản đối việc tiêm vắc-xin bắt buộc bị thủy đậu

Massimiliano Fedriga, một chính trị gia cao cấp trong đảng Liên minh phương Bắc của Italia đã được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu vào tuần trước, sau khi chỉ trích luật tiêm chủng bắt buộc của nước này.

Chính trị gia Massimiliano Fedriga.

Sputnik dẫn các nguồn tin cho biết, Fedriga đã trải qua bốn ngày tại bệnh viện sau khi được chẩn đoán nhiễm loại virut có khả năng gây tử vong, với triệu chứng là vết mẩn ngứa giống như mụn nước trên da.

Năm 2017, Italia đã ban hành luật tiêm vắc-xin chống lại 10 bệnh, bao gồm bại liệt, sởi và thủy đậu. Chính quyền bắt buộc người dân tuân thủ và phạt tiền tới 500 euro đối với các bậc cha mẹ từ chối tiêm vắc-xin cho con trước 6 tuổi.

Động thái này được đưa ra sau khi dịch sởi bùng phát ở Italia và tại Balkan khiến hàng ngàn người mắc bệnh. Với 5.004 trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận vào năm 2017, Italia chiếm 34% các trường hợp được báo cáo trong Khu vực kinh tế châu Âu, theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Sởi có thể phát triển thành viêm phổi và viêm não dẫn đến tử vong, dễ dàng được ngăn ngừa bằng vắc-xin MMR.

Trong một bài đăng trên Facebook, Fedriga vẫn khẳng định rằng ông không phải là người ủng hộ phong trào "chống vắc-xin".

"Tôi đang đọc một loạt các bình luận ăn mừng trên Twitter vì tôi phải nhập viện. Tôi luôn nói rằng tôi ủng hộ vắc-xin. Họ nói rằng tôi bị thủy đậu từ các con tôi mà không biết rằng các con tôi đã được tiêm phòng, như tôi đã nói trong các cuộc phỏng vấn", ông viết.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với truyền thông địa phương, Fedriga đã chỉ trích đảng Dân chủ của Ý trong việc thực thi luật tiêm chủng bắt buộc ở nước này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng do dự đối với vắc-xin, được định nghĩa là "miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin mặc dù có sẵn vắc-xin", đã làm tăng đáng kể mối đe dọa toàn cầu đối với các bệnh có thể phòng ngừa được.

"Tiêm vắc-xin là một trong những cách hiệu quả nhất để tránh bệnh - hiện đang ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm và có thể tránh thêm 1,5 triệu ca nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện", WHO viết trên trang web của mình.