Môi trường

Chính sách TN&MT cần đảm bảo phù hợp với những cam kết quốc tế

Trong những chính sách, văn bản mới của Bộ TN&MT đã và sẽ lồng ghép thêm nhiều yêu cầu mới, sao cho phù hợp với các cam kết, thực thi mang tính quốc tế.

Ngày 13/4, Đại sứ quán Thụy Điển, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ Khởi động Chuỗi Tham vấn quốc gia tại Việt Nam - Hướng tới Stockholm+50. 

Sự kiện bao gồm một chuỗi hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6 nhằm đưa ý kiến của người dân Việt Nam tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt.

Đại diện Chính phủ Thuỵ Điển, Bộ TN&MT Việt Nam cùng UNDP tại sự kiện

Sự quyết tâm của Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, đại diện phía cơ quan quản lý của Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: “Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng không.”

Trên thực tế, 30 hay 50 năm qua, chúng ta vẫn đặt vấn đề về phát triển con người, phát triển sức khoẻ hành tinh là một trong những điều cấp bách cần thiết phải giải quyết. Từ đó, Việt Nam đã có những khung chính sách nhằm phát triển bền vững, tiêu thụ bền vững.

“Đó cũng là một trong những vấn đề mà Bộ TN&MT đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 tại sự kiện COP26 năm vừa qua”, ông Thọ bày tỏ.

PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Đại diện Bộ TN&MT cho biết thêm, những quốc gia như Mỹ, Nga hay Ukraina, có ảnh hưởng rất lớn tới thế giới, cũng như môi trường chung của toàn cầu. Chính vì vậy, những sự kiện như xung đột hay bất cứ bất ổn nào xảy ra đều ảnh hưởng chung tới nhân loại.

Do vậy, trong những chính sách, văn bản mới của Bộ TN&MT đã và sẽ lồng ghép thêm nhiều yêu cầu mới, sao cho phù hợp với các cam kết, thực thi mang tính quốc tế. Mặt khác, Bộ cũng đã thực hiện nhiều hướng dẫn, chỉ đạo tới địa phương, kết hợp với các Bộ, ngành khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu thụ bền vững vào trong mỗi hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân.

Tuy nhiên, để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu chung đó, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, điều quan trọng nhất là phát huy tốt những nội lực của nền kinh tế tuần hoàn và có sự đồng hành từ các tổ chức quốc tế, cùng Bộ TN&MT giải quyết những thách thức mà thời đại đang đặt ra.

Song, khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành Báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho hội nghị toàn cầu Stockholm +50 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt.

Hành động toàn cầu

Về vấn đề này, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Hướng tới Hội nghị, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu. UNDP cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp tại Việt Nam.

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen phát biểu

Bà Wiesen thông tin thêm, các tham vấn sẽ thảo luận ba câu hỏi. Thứ nhất, các giải pháp dựa vào tự nhiên nào sẽ đổi chiều xu hướng môi trường nguy hiểm ở Việt Nam. Thứ hai, các hành động nào sẽ đảm bảo dịch chuyển năng lượng xanh và công bằng, tạo ra các cơ hội bền vững giúp hàng triệu người thoát nghèo. Cuối cùng, đâu là các hành động đòn bẩy sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết các mô hình tiêu dùng không bền vững khi Việt Nam nhận ra các tiềm năng kinh tế đầy đủ của mình.

“Đây chính là lúc cần hành động và đặc biệt cần tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên và trẻ em”, bà Wiesen nhấn mạnh.

Chính vì vậy, UNDP đang tiến hành tổ chức hàng loạt những cuộc đối thoại với trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm chia sẻ ý kiến và quan điểm về vấn đề môi trường. Qua đó, góp phần truyền tải thông tin tới lãnh đạo của các quốc gia toàn cầu.

Theo đó, những tham vấn này sẽ là đầu vào quan trọng cho Hội nghị được tổ chức vào tháng 6 tới, đồng thời đây cũng sẽ là nội dung được UNDP xem xét ở cấp độ quốc gia, tìm hiểu thách thức và tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu ở tất cả người dân.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cho biết: “Tương lai là của chung. Chúng ta phải chia sẻ cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra tương lai”. Lời nói của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme sau 50 năm vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay.

Bà đưa ra nhận định, Hội nghị Stockholm+50 hướng tới đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết. Thời gian không còn nhiều và những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt cần được giải quyết bằng một nỗ lực tập thể và hành động của tất cả mọi người.

Qua đó, nhằm xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, vào ngày 2 và 3 tháng 6 năm 2022 bởi Chính phủ Thụy Điển với sự hỗ trợ của Chính phủ Kenya.