Chính sách

Chính sách đặc biệt vừa cứu doanh nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển

Các chuyên gia cho rằng ngành thuế - hải quan cần có thêm cải cách, hỗ trợ, cơ chế đặc thù... hướng đến sự hưởng lợi của doanh nghiệp và người dân.

Trong khuôn khổ diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề "Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp" do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu đến từ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã có mặt để đánh giá hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm vừa qua. 

Đồng thời, đại diện ngành thuế - hải quan khẳng định quan điểm hỗ trợ, đồng hành tối đa với doanh nghiệp từ chính sách đến thủ tục, từ tháo gỡ vướng mắc hàng ngày đến tạo thuận lợi trong cơ chế, nhất là trong những thời điểm khó khăn như dịch Covid-19.

Số hóa các chứng từ làm thủ tục hải quan

Theo ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. "Nếu như năm 2000, xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ là con số khiêm tốn 30 tỷ USD, đến năm 2009 đã ghi nhận con số 127 tỷ USD và lần lượt chinh phục mốc 200 tỷ USD năm 2011; 300 tỷ USD vào năm 2015; 400 tỷ USD năm 2017, 500 tỷ USD năm 2019 và đạt mốc 600 tỷ USD vào đầu tháng 12/2021" - ông dẫn số liệu.

Theo ông, kết quả đó đã đưa Việt Nam vào top 30 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu lớn nhất trên phạm vi toàn cầu và tăng hạng khá nhanh so với các nước khác. "Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vững vàng vị trí thứ 2 sau Singapore, đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong những năm qua" - ông nói.

Theo ông Mai Xuân Thành, Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế quốc tế.

Ông cho biết, từ năm 2020, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

Trong đó có các kết quả tích cực trong tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. "Một số chứng từ, trước đây doanh nghiệp phải nộp bản giấy đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp" - ông nói. 

"Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo dự thảo Nghị định ước tính sẽ tiết kiệm trên 1.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp mỗi năm và tăng giá trị cho nền kinh tế trên 9.000 tỷ đồng" - ông cho hay.

Điểm thứ hai là ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực hải quan. Ông cho biết Tổng cục Hải quan sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa Nghị định số 08 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, trong đó tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hải quan để giảm chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp.

Thứ ba là áp dụng đồng bộ các giải pháp để thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu. "Tổng cục Hải quan đã cùng với các Cục Hải quan địa phương thành lập các Tổ xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp ngay trong ngày" - ông nói thêm

Bên cạnh việc trực và giải quyết nhanh tất cả các lô hàng vật tư y tế, thiết bị, vắc-xin, sinh phẩm… phục vụ phòng, chống dịch, các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới cũng được chú trọng đẩy nhanh tốc độ thông quan. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin càng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hải quan.

Gia hạn cho gần 140.000 người nộp thuế

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách cho biết năm 2021, Tổng cục Thuế đã tham mưu và tham gia trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp cả về chính sách thuế và quản lý thuế để ứng phó với đại dịch Covid -19.

Trong đó, về gia hạn thời hạn nộp thuế, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19.

Ông Vũ Xuân Bách phát biểu tại diễn đàn.

Tính đến ngày 23/11/2021, ngành Thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định số 52 là trên 92.000 tỷ đồng.

Về miễn, giảm thuế, đã trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; trình Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Tổng cục Thuế cũng tham mưu Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47 giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 áp dụng kể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ quan tâm phối hợp chỉ đạo một số công việc trọng tâm như: Triển khai các biện pháp để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng…

Cải cách hướng đến sự hưởng lợi của doanh nghiệp, người dân

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết Bộ Tài chính đã thực hiện ghi nhận ý kiến đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp. "Chưa có đơn vị nào có tần suất thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp dày đặc như Bộ Tài chính. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao trong những năm qua" - ông nói. 

Ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của 2 ngành Thuế - Hải quan trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. "Bằng chứng là cả hai ngành, một mặt có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn nhưng mặt khác vẫn tạo ra được những nguồn thu, tạo dư địa để Chính phủ tiếp tục có những biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp" - ông nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại diễn đàn.

"Tôi cũng đã nhìn thấy rõ sự nỗ lực của 2 ngành Thuế - Hải quan với những định hướng rất rõ ràng trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm tới và sau đó nữa" - ông nói thêm. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề: "Chúng ta đã làm tốt rồi, liệu có thể làm tốt hơn nữa hay không?"

Theo ông, qua thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp giờ đây rất khó khăn, nhất là về dòng tiền khi sản xuất kinh doanh không liên tục nhưng chi phí bỏ ra lại không giảm, thậm chí còn tăng lên. Thậm chí, doanh nghiệp thiệt hại lớn khi tài sản không được khai thác đầy đủ.

"Khó khăn hiện vẫn bất định vì không ai biết dịch khi nào đi qua. Hiện doanh nghiệp đang kỳ vọng hai vấn đề là được hỗ trợ chi phí vật chất và hỗ trợ thuận lợi rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính" - ông Phan Đức Hiếu nói.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, cần lưu ý, cải cách cuối cùng không phải trên văn bản mà là sự hưởng lợi của doanh nghiệp và người dân. "Tôi hy vọng Quốc hội giao cơ chế đặc thù cho một số địa phương thì cũng cho Chính phủ cơ chế đặc thù xử lý các thủ tục, quy định đặc thù trong thời gian dịch bệnh này. Đây cũng sẽ là mô hình thực hiện trong tương lai" - ông cho hay.

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá chưa có một đơn vị nào có tần suất thực hiện đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp dày đặc như Bộ Tài chính.

Chủ tịch VIAC đánh giá, về quản lý, bên cạnh gói hỗ trợ bằng tiền, cần hỗ trợ nhiều hơn về kỹ thuật, chuyển đổi mô hình kinh doanh bởi đây cũng là cách chuyển đổi nguồn thu, nuôi dưỡng và tăng cường nguồn thu.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, ngay cả các quy định về thuế, hải quan cũng chưa nắm vững. "Phải có những chính sách đặc biệt riêng cho những lĩnh vực tiềm năng để vừa cứu doanh nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển chính sách tài khóa. Đặc biệt, chính sách tài khóa cũng như tiền tệ cộng hưởng cho nhau phải tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, dòng tiền là vấn đề quan trọng" - ông nói thêm