Tiêu điểm

Chính phủ: Yếu kém trong thị trường BĐS, trái phiếu, ngân hàng lộ rõ

Những yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đã dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.

Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sáng 22/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn.

Thị trường vốn gặp khó về thanh khoản, dòng tiền

Báo cáo nêu rõ, nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng…

Phó Thủ tướng nhắc lại, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% thấp hơn cùng kỳ (5,03%), trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

“Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Về nguyên nhân, theo Phó Thủ tướng, những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.

Đáng chú ý, những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.

Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

Xử nghiêm cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm

Thời gian tới, Chính phủ cho rằng khó khăn, thách thức còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Chính phủ xác định tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, chuyển trạng thái đột ngột. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo Chính phủ báo cáo Quốc hội là thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả.

Chính phủ nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…

Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.