Sự kiện

Chính phủ đề nghị áp dụng biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp

Đại diện cho Chính phủ, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp.

Cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ

Chiều 24/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thực tế phòng chống dịch Covid-19 trong nước còn có sự bất cập trong ban hành một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có văn bản ở tầm pháp lý cao hơn để tạo điều kiện cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

“Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh các tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết vì dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ nên cũng cần các biện pháp chưa có trong tiền lệ", Bộ trưởng bộ Y tế cho hay. 

Người thừa uỷ quyền của Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần được trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn trong việc quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

"Chính phủ cần được áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và giải thích nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến quốc phòng, an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại và đời sống nhân dân…

Đồng thời, Chính phủ đề nghị áp dụng các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Toàn cảnh phiên họp chiều 24/7.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét đưa nội dung về phòng, chống dịch Covid -19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đó là: 

Chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các luật khác có liên quan và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Trường hợp cần thiết phải ban hành, áp dụng các quy định khác với quy định của luật hiện hành thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh...Địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. 

Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, khẩn trương rà soát các luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, trình Quốc hội.

Cần có các giải pháp tránh tối đa tiêu cực, lãng phí

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ.

Bà Nguyễn Thuý Anh cho hay, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số Luật và Pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên một số quy định chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, đã khống chế thành công ba đợt dịch và đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết có nội dung bày tỏ sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.

“Việc Quốc hội quyết nghị về vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của kỳ họp thứ nhất này, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước”, bà Nguyễn Thuý Anh bày tỏ.

Bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Xã hội, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Về thời hạn hiệu lực của nghị quyết, Ủy ban Xã hội cho rằng chỉ nên thực hiện đến hết năm 2022 và phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống Covid-19.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cũng đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Hoàng Bích