Thế giới

Chính phủ Anh thiếu “hiểu biết cơ bản” về nhóm lính Wagner của Nga

Quốc hội Anh cũng cho rằng đã đến lúc Chính phủ Vương quốc Anh cần liệt Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga là một tổ chức khủng bố.

Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh hôm 26/7 công bố một đánh giá, trong đó cho rằng trong nhiều năm qua Chính phủ Anh đã thất bại trong việc phản ứng đầy đủ với các mối đe dọa do Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner PMC của Nga gây ra.

Bản đánh giá cảnh báo rằng Wagner vẫn đặt ra “các mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng” đối với Vương quốc Anh và các đồng minh của nước này.

“Trong 10 năm kể từ khi Mạng lưới Wagner hình thành, chính phủ Vương quốc Anh đã thiếu một chiến lược mạch lạc và không nỗ lực để giải quyết vấn đề Wagner một cách thực chất”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, Alicia Kearns, cho biết. “Điều này đã cho phép mạng lưới trên phát triển, lan rộng các xúc tu của nó vào sâu trong châu Phi và khai thác các quốc gia đang chìm trong xung đột hoặc bất ổn”.

Thiếu “hiểu biết cơ bản”

Nhóm Wagner lần đầu tiên thu hút sự chú ý của quốc tế vào năm 2014 khi hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Kể từ đó, Wagner đã tham gia vào các khu vực xung đột ở Trung Đông và châu Phi.

Nhưng tương lai của Wagner PMC hiện vẫn còn chưa rõ ràng, hơn một tháng sau khi ông trùm Yevgeny Prigozhin đã phát động một cuộc nổi loạn vũ trang nhằm công khai phản ứng với giới lãnh đạo quân sự của Nga.

Sau cuộc binh biến thất bại, với việc ông Prigozhin và những người lính trung thành chuyển sang sống lưu vong ở nước láng giềng thân thiết Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 6 đã tiết lộ rằng tập đoàn này được Điện Kremlin tài trợ hoàn toàn.

Trong bản đánh giá công bố hôm 26/7 của mình, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh lập luận rằng, một “thất bại đáng kể” trong chiến lược của Vương quốc Anh đối với Wagner là chỉ nhìn thấy mạng lưới này “chủ yếu thông qua lăng kính của châu Âu, chứ chưa nói đến phạm vi địa lý và tác động của các hoạt động của Wagner đối với lợi ích của Vương quốc Anh ở nước ngoài”.

Bản đánh giá nói rằng điều này làm tăng thêm “sự thiếu hiểu biết cơ bản” trong chính phủ về các chức năng của nhóm này – và của các công ty quân sự tư nhân bị tiếng xấu khác.

Một người đi bộ đi ngang qua bức tranh tường mô tả Tập đoàn Wagner với dòng chữ Nhóm Wagner—Hiệp sĩ Nga trên tường của một tòa nhà ở Belgrade, Serbia, ngày 17/11/2022. Ảnh: TIME

“Thật đáng tiếc là mãi đến đầu năm 2022, chính phủ mới bắt đầu đầu tư nguồn lực lớn hơn để tìm hiểu Mạng lưới Wagner, mặc dù các chiến binh Wagner đã tiến hành các hoạt động quân sự ở ít nhất 7 quốc gia trong gần một thập kỷ”, bản đánh giá cho biết.

Vương quốc Anh tuần trước đã công bố một làn sóng trừng phạt mới đối với các quan chức liên quan đến nhóm Wagner ở Mali, Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Sudan – bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt mà nước này đã áp dụng đối với ông Prigozhin và một số chỉ huy chủ chốt của ông trùm Wagner.

Nhưng Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh cho biết, Chính phủ Anh đơn giản là đã không hành động đủ nhanh và giờ phải “hành động nhanh hơn và mạnh hơn” để trừng phạt những người liên quan.

“Nếu chúng ta muốn làm suy yếu hoạt động của Mạng lưới Wagner, chúng ta cần phải cắt đứt tài sản của mạng lưới này ngay tại nguồn của nó”, bà Kearns nói.

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO), tức Bộ Ngoại giao Anh, đã được Politico tiếp cận để yêu cầu bình luận.

Đáp lại, một phát ngôn viên của FCO cho biết: “Chúng tôi đã trừng phạt nặng nề Tập đoàn Wagner, bao gồm cả lãnh đạo Yevgeny Prigozhin và một số chỉ huy chủ chốt, hạn chế việc đi lại và đóng băng tài sản của họ”.

“Vương quốc Anh là một trong những nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, những người đã chiến đấu với lực lượng Wagner trên chiến trường. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các đồng minh của mình để vạch trần và chống lại các hoạt động gây bất ổn của họ trên khắp thế giới”, vị phát ngôn viên nói.

Vào “danh sách đen”

Bản đánh giá của Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh cũng cho rằng đã đến lúc chính phủ nước này cần liệt Wagner là một tổ chức khủng bố.

Nếu điều này xảy ra, Wagner PMC của Nga sẽ bị đưa vào một “danh sách đen” cùng với 78 nhóm khác, bao gồm ISIS, al Qaeda và các tổ chức theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mới hơn.

Vương quốc Anh đã duy trì danh sách “các tổ chức ngoài vòng pháp luật” trong nhiều thập kỷ, trước đây bao gồm các nhóm trong cuộc xung đột ở Bắc Ireland, sau đó tạo ra một danh sách toàn cầu hơn vào đầu những năm 2000. Sau khi một tổ chức bị đưa vào “danh sách đen” này, việc tham gia nhóm đó hoặc hỗ trợ nhóm đó sẽ trở thành tội hình sự – với hình phạt lên tới 14 năm tù. Hàng chục quốc gia khác cũng có danh sách tương tự.

Việc Vương quốc Anh cho Wagner vào “danh sách đen” có thể là một tín hiệu toàn cầu quan trọng, khiến nước này trở thành một trong những nước đầu tiên coi Wagner PMC là một nhóm khủng bố. Điều này có thể khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự và có thể ngăn cản các quốc gia hợp tác với Wagner trong tương lai.

Các chiến binh của nhóm Wagner được triển khai trên một con phố gần trụ sở của Quân khu phía Nam ở Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6/2023. Ảnh: CGTN

Hồi đầu tháng 7, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trở thành tổ chức đầu tiên coi Wagner là một tổ chức khủng bố. Hội đồng nghị viện của OSCE đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên sử dụng đầy đủ tất cả các công cụ trong nước và quốc tế, bao gồm cả những công cụ được lập ra để chống khủng bố, nhằm ngăn chặn sự hiện diện Wagner PMC và các chi nhánh của nó ở bất cứ nơi nào tổ chức này hoạt động và đảm bảo rằng tổ chức này phải chịu trách nhiệm cho các hành động họ gây ra.

Nhưng sẽ hơi bất thường nếu gộp Wagner – một công ty, một doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận – với các nhóm như al Qaeda hoặc Boko Haram, được thúc đẩy bởi các hệ tư tưởng cấp tiến hơn là lợi nhuận, ông Brian J. Phillips, Phó Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Essex (Anh) cho biết trên trang The Conversation hồi tháng 5.

Theo ông Phillips, có lẽ vì lý do này mà Mỹ đã coi Wagner là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hơn là một tổ chức khủng bố, và áp đặt các biện pháp trừng phạt thường được sử dụng đối với tội phạm có tổ chức.

Wagner cũng khác biệt vì nó hoạt động cho nhà nước Nga, vì vậy nó không phải là một “tác nhân phi nhà nước” so với các nhóm khủng bố truyền thống. Tuy nhiên, Vương quốc Anh đã đưa vào “danh sách đen” của mình nhiều nhóm nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, chẳng hạn như Hezbollah.

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là về mức độ ảnh hưởng của việc bị liệt vào “danh sách đen” của Vương quốc Anh đối với một nhóm hoạt động cách xa nước này hàng nghìn km.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã hoài nghi về việc Wagner chuyển tiền ra từ Vương quốc Anh sau khi các lệnh trừng phạt tài chính được áp dụng đối với các nhà tài phiệt Nga. Những hành động như vậy sẽ trở thành bất hợp pháp một khi Wagner vào “danh sách đen”. Mọi hỗ trợ cho nhóm này, bởi bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào ở Vương quốc Anh, sẽ bị hình sự hóa.

Minh Đức (Theo Politico, The Conversation, TASS)