An ninh - Hình sự

Chiêu trò tinh vi của 3 đối tượng làm giấy tờ, bằng cấp giả vừa bị bắt giữ

Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc triệt phá nhiều băng nhóm làm giấy tờ giả. Mới đây, nhóm ba đối tượng có hành vi làm giấy tờ giả bị bắt giữ.

Chiều 20/7, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng là: Trần Khánh Trình, 40 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa; Tạ Tiến Anh, 39 tuổi, quê tỉnh Ninh Bình và Đỗ Hồng Lĩnh, 29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa để phục vụ công tác điều tra.

Ba đối tượng được xác định có liên quan đến đường dây làm giấy tờ giả vừa bị phát hiện, triệt phá trên địa bàn tỉnh.

Bằng cấp chứng chỉ giả.

Cụ thể, nắm bắt tình hình địa bàn khá “nóng” về tình trạng hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, Công an tỉnh Đồng Nai đã xác lập chuyên án đấu tranh triệt phá loại tội phạm này.

Đến 18/7, công an phát hiện và bắt giữ Trần Khánh Trình đang sản xuất giấy tờ, bằng cấp giả.

Khám xét nhà của Trình, công an thu giữ 2 bộ máy vi tính để bàn, 1 máy tính xách tay (trong đó có chứa rất nhiều dữ liệu để làm các loại giấy tờ, tài liệu giả); 2 máy in màu, 1 máy ép nhựa; 6 phôi bằng cấp các loại, 131 mẫu con dấu các đơn vị, cơ sở giáo dục, dạy nghề trên khắp cả nước; 300 tem dán trên phôi bằng cùng nhiều tài liệu tang vật liên quan khác.

Bước đầu xác định, Trình là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, làm giả, mua bán giấy tờ giả… Còn đối tượng Anh, Lĩnh tham gia hỗ trợ cho Trình thực hiện việc mua bán các loại giấy tờ giả.

Các đối tượng sử dụng nhiều loại thiết bị, máy móc hiện đại để làm giả các loại giấy tờ một cách tinh vi, rất khó phát hiện.

Để tìm kiếm “khách hàng”, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để giao dịch. Chúng sưu tầm các mẫu con dấu của những cơ sở giáo dục, đơn vị có nhiều người mua để đóng lên văn bằng, giấy tờ.

Với thủ đoạn này, khách hàng của Trình mở rộng không chỉ ở Đồng Nai, mà còn nhiều địa phương khác.

Công an tỉnh Đồng Nai nhận định việc mua bán, sử dụng tài liệu, con dấu giả là hành vi vi phạm pháp luật không những ảnh hưởng úy tín, danh dự, lợi ích của cơ quan, tổ chức bị làm giả mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công bằng xã hội.

Những người không học, không có kiến thức lọt vào được các cơ quan, doanh nghiệp, không có chuyên môn, trình độ sẽ làm thay đổi bản chất công việc, cách nhìn nhận đánh giá của lãnh đạo, cơ quan tuyển dụng từ đó dẫn đến không đảm bảo yêu cầu đề ra.

Nghiêm trọng hơn, việc một số đối tượng ngụy trang, che giấu nhân thân, qua mắt các cơ quan chức năng nhằm đạt được những mục đích cá nhân hay thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo, giả mạo, trốn truy nã…

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng Công an tỉnh tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.