Thế giới

Chiến thắng dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Việc Ả Rập Xê-út – cường quốc Hồi giáo Sunni hàng đầu – đích thân nối lại quan hệ với Damacus diễn ra 2 ngày sau khi Syria được tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập (AL).

Ả Rập Xê-út và Syria hôm 9/5 đã nối lại công tác của các cơ quan đại diện ngoại giao ở cả 2 nước, theo truyền thông nhà nước của cả 2 bên. Động thái bình thường hóa diễn ra hơn một thập kỷ sau khi Riyadh cắt đứt quan hệ với Damacus để phản ứng với cách xử lý tàn bạo của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đối với các cuộc biểu tình.

Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê-út cho biết, vương quốc “đã quyết định nối lại công việc của phái bộ ngoại giao ở Syria”, đồng thời cho biết họ sẽ tìm cách “phát triển hành động chung của Ả Rập”, theo hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Xê-út (SPA).

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cũng cho biết, “Cộng hòa Ả Rập Syria đã quyết định nối lại công việc của phái bộ ngoại giao tại Ả Rập Xê-út”, trích dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao Syria.

Hy vọng khơi dòng tài trợ

Việc Ả Rập Xê-út – cường quốc Hồi giáo Sunni hàng đầu – đích thân nối lại quan hệ với chính quyền ở Damacus diễn ra 2 ngày sau khi Syria được tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập (AL), và được coi là một chiến thắng dành cho ông al-Assad.

Nhà lãnh đạo Syria đã bị cô lập về chính trị trong khu vực kể từ khi cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này bắt đầu, nhưng một loạt các hoạt động ngoại giao đã được tiến hành trong những tuần qua sau khi Ả Rập Xê-út và Iran, một đồng minh thân cận của Damascus, quyết định nối lại quan hệ, từ đó thay đổi cục diện chính trị khu vực.

Ba tuần trước, ông al-Assad đã gặp Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út Faisal bin Farhan tại thủ đô Damascus, chuyến thăm đầu tiên như vậy kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria vào năm 2011. Trong cuộc gặp, Tổng thống al-Assad và Hoàng tử Faisal đã thảo luận về các bước để “đạt được một giải pháp chính trị toàn diện... góp phần đưa Syria trở lại thế giới Ả Rập”, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê-út cho biết.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) bắt tay với Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út Hoàng tử Faisal bin Farhan tại Damascus, ngày 18/4/2023. Ảnh: DAWN

Theo các quan chức và các nhà phân tích, việc Syria tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập, mặc dù mang tính biểu tượng, nhưng vẫn đi kèm với hy vọng rằng nó có thể mở đường cho sự tái hòa nhập của ông al-Assad trên trường quốc tế và có khả năng loại bỏ các biện pháp trừng phạt làm tê liệt chế độ của ông.

Ông al-Assad hy vọng việc bình thường hóa với các quốc gia vùng Vịnh giàu có có thể mang lại cứu trợ kinh tế và tiền bạc để tái thiết đất nước, vì nguồn tài trợ quốc tế rộng lớn hơn vẫn khó nắm bắt nếu không có một giải pháp chính trị do Liên Hợp Quốc (LHQ) hậu thuẫn cho cuộc xung đột.

Sau hơn một thập kỷ, nội chiến Syria – bắt đầu từ việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa – đã khiến 500.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp của đất nước bị hủy hoại.

Chỉ là khởi đầu, không phải kết thúc

Trong khi các chiến tuyến hầu như đã yên ắng, phần lớn miền Bắc của đất nước vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ Syria và chưa có giải pháp chính trị nào đạt được cho cuộc xung đột.

Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập hôm 7/5 nhấn mạnh rằng họ quan tâm tới việc khởi động vai trò hàng đầu của khối Ả Rập trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Ông Ahmed Aboul Gheit, người đứng đầu Liên đoàn Ả Rập gồm 22 thành viên, cho biết quyết định này “giúp phía Ả Rập liên lạc với chính phủ Syria lần đầu tiên sau nhiều năm”.

Ông nói thêm, việc Syria quay trở lại khối là “khởi đầu... không phải là kết thúc của vấn đề”, đồng thời lưu ý rằng việc quyết định có nối lại quan hệ với Damascus hay không là tùy thuộc vào từng quốc gia.

Liên minh Quốc gia Syria, liên minh đối lập chính, cho biết quyết định hôm 7/5 có nghĩa là “bỏ rơi” người Syria và khiến họ “không còn sự hỗ trợ chính thức của thế giới Ả Rập”.

Trong cuộc họp hôm 7/5/2023 ở Cairo, Ai Cập, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Ả Rập quyết định cho Syria tái hòa nhập, đồng thời lưu ý rằng việc quyết định có nối lại quan hệ với Damascus hay không là tùy thuộc vào từng quốc gia. Ảnh: EFE

Mỹ và Anh cho biết, họ vẫn phản đối quan hệ với ông al-Assad nhưng vẫn sẽ làm việc với các quốc gia Ả Rập đang tái thiết lập quan hệ với chính quyền ở Damacus.

“Và quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không tham gia vào việc bình thường hóa quan hệ với ông al-Assad và chế độ đó”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên ở Washington.

Nhưng ông Blinken cho biết Mỹ chia sẻ các mục tiêu của các đối tác Ả Rập ở Syria, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và chống lại các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng quan điểm của Ả Rập, như được thể hiện thông qua Liên đoàn Ả Rập, là họ tin rằng họ có thể theo đuổi những mục tiêu này thông qua sự tham gia trực tiếp hơn”, ông Blinken nói.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly, phát biểu bên cạnh ông Blinken, cho biết London “rất khó chịu” với quyết định của Liên đoàn Ả Rập.

“Chúng ta không thể bỏ qua những hành động của chế độ al-Assad trong vài năm qua; sự tàn bạo đối với người dân Syria không thể bị bỏ qua. Và Vương quốc Anh chắc chắn sẽ không phủ nhận điều đó”, ông Cleverly tuyên bố.

“Nhưng chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều áp lực đối với các nước trong khu vực”, ông nói.

Mỹ duy trì hàng trăm binh sĩ ở Syria như một phần của liên minh chống lại IS. Các lực lượng liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đang hiện diện ở Syria.

Trong khi đó, Nga – một đồng minh chủ chốt của Tổng thống al-Assad – bày tỏ ủng hộ Syria tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập, gọi đây là một bước được chờ đợi từ lâu, kết quả hợp lý của một quá trình.

Minh Đức (Theo France24, CNN)