Tiêu điểm thế giới

Chiến sự Syria: Cùng quẫn tự chém giết nhau, phiến quân bỏ mạng hàng loạt ở Idlib

Các cuộc xung đột, chém giết lẫn nhau của các phiến quân đang diễn ra rầm rộ ở Idlib và làm tiêu hao một lượng lớn quân cho các bên liên quan.

Theo AMN, các cuộc xung đột, chém giết lẫn nhau của các phiến quân đang diễn ra rầm rộ ở Idlib và làm tiêu hao một lượng lớn quân cho cả các bên liên quan.

Báo cáo từ chiến trường cho thấy, phiến quân Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS) và Hurras Al-Deen đã bị mất hàng chục tay súng ở cuộc nội chiến kéo dài gần cả tuần ở ngoại ô phía Tây của thành phố Idlib.

Ngoài việc gây tổn thất lớn về quân, hai nhóm phiến quân cũng triển khai lại lực lượng các tay súng cùng các thiết bị vũ khí ở ngoại ô phía Tây của tỉnh Idlib nên thiệt hại về vật chất cũng khá lớn ở đây.

Dù có những thắng lợi ban đầu, nhóm Hurras Al-Deen ở phía Tây thành phố Idlib đã vật lộn trong vài ngày qua để chiếm các vị trí ở đây và mất khá nhiều quân.

Nhóm phiến quân này cũng mất 2 chỉ huy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Chiến sự đẩy người dân đứng trước nạn đói khủng khiếp

Cảnh bom rơi đạn lạc trong chiến sự Syria đã khiến người dân nước này đứng trước nạn đói và cuộc sống khó khăn.

Người dân quốc gia Trung Đông này được cho là đang phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp nhất từ trước đến nay với 9,3 triệu người thiếu lương thực.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria được Liên Hợp Quốc đánh giá là khá nguy hiểm và tỏ ra quan ngại, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nguy cơ diễn biến phức tạp hơn.

Thông tin từ cuộc họp tại Geneva, Thụy Sỹ hôm 26/6 cho biết, Syria hiện có đến 1,4 triệu người đối mặt với sự thiếu hụt các nhu yếu phẩm trong 6 tháng đầu năm 2020.

Phát ngôn viên của tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới Elisabeth Byrs cho biết, giá của các mặt hàng lương thực đã tăng hơn 200% chỉ trong vòng 1 năm, chủ yếu do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế của nước láng giềng Lebanon và các biện pháp hạn chế của chính phủ Syria nhằm chống đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Syria Akjemal Magtymova nhấn mạnh, cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm tại Syria đã khiến cho hơn 90% dân số nước này phải sống ở mức dưới 2 USD/ 1 ngày. Đặc biệt, chỉ có dưới 50% số bệnh viên công của Syria hoạt động do xung đột bạo lực, trong khi một nửa nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế đã rời bỏ đất nước.

Nga gia tăng sức mạnh

Trong nỗ lực khuếch trương sức mạnh ra bên ngoài, Nga đang tìm cách mở rộng quyền tiếp cận và khả năng di chuyển tự do ở khu vực địa Trung Hải.

Thông qua việc củng cố vị thế quân sự trong khu vực, Nga dường như cũng muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ và NATO tại địa bàn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt địa chiến lược.

Theo đề nghị chính thức từ Tổng thống Bashar al-Assad, Nga chính thức can dự quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria năm 2015. Đến thời điểm hiện tại, Moscow đã giúp Damascus lật ngược thế cờ khi đánh bại lực lượng khủng bố và các phe phái nổi dậy, giành lại phần lớn diện tích lãnh thổ về tay Chính phủ Syria.

Nếu như trước đây, Nga chỉ sử dụng một phần rất khiêm tốn ở cơ sở hải quân Tartus bên bờ Địa Trung Hải thì đến năm 2017 Moscow đã quyết định thành lập một lực lượng quân sự lâu dài đóng quân ở cả Tartus và căn cứ không quân Khmeimim gần đó.

Nga đã đầu tư 500 triệu USD để cải tạo và mở rộng các căn cứ quân sự này, qua đó giúp các tàu chiến Hải quân Nga có thể hiện diện thường xuyên và thực hiện các sứ mệnh dài ngày ở Địa Trung Hải.

Nga cũng đã triển khai tới Khmeimim hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại cũng như các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa tiên tiến S-400.