Thế giới

Chiến sự gia tăng ở ngoại ô thủ đô Kiev

Mặc dù Tổng thống Ukraine cho biết các yêu cầu của Nga trong các cuộc đàm phán đang trở nên "thực tế hơn", trên thực địa, tình hình chiến sự tiếp tục căng thẳng.

Một chùm khói đã được nhìn thấy bốc lên ở phía tây Thủ đô Kiev, sau khi mảnh vỡ từ một quả đạn pháo rơi vào một tòa nhà chung cư 12 tầng ở trung tâm Kiev, thiêu rụi tầng cao nhất và gây ra đám cháy, theo một tuyên bố và các hình ảnh được cơ quan phản ứng khẩn cấp Kiev công bố.

Tòa nhà bên cạnh cũng bị hư hại. Cơ quan này đã báo cáo về 2 nạn nhân nhưng không nêu chi tiết.

Các lực lượng Nga đã tăng cường giao tranh ở các vùng ngoại ô Kiev, đặc biệt là xung quanh thị trấn Bucha ở phía Tây Bắc và đường cao tốc dẫn về phía Tây đến Zhytomyr, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự vùng Kiev, Oleksiy Kuleba, cho biết.

Trước đó, Cố vấn Bộ Nội vụ Anton Gerashchenko cho biết, các tàu chiến Nga vào khoảng nửa đêm đã bắn tên lửa và pháo vào bờ biển Ukraine gần Tuzla, phía Nam Odessa.

"Họ bắn một lượng lớn đạn dược từ một khoảng cách rất xa", ông Gerashchenko cho biết trên Facebook.

Ông Gerashchenko cho rằng Nga muốn thử nghiệm hệ thống phòng thủ ven biển của Ukraine.

Vị cố vấn này cho biết không thấy nỗ lực đổ bộ của quân đội, nhưng không đưa thông tin chi tiết về thiệt hại có thể xảy ra của các đợt pháo kích.

Tổng thống Ukraine: Yêu cầu của người Nga đã trở nên “thực tế hơn”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng các yêu cầu của Nga trong các cuộc đàm phán đang trở nên "thực tế hơn" sau gần 3 tuần giao tranh.

Ông cho biết, cần thêm thời gian cho các cuộc đàm phán, hiện đang được tổ chức trực tuyến qua liên kết video.

“Các cuộc hội đàm vẫn tiếp tục, và tôi được biết, các quan điểm trong quá trình đàm phán đã có vẻ thực tế hơn. Nhưng vẫn cần thời gian để đạt được các quyết định có lợi cho Ukraine”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu video hàng tối của mình.

Các lực lượng Nga hôm 15/3 đã không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine và tiếp tục pháo kích dữ dội vào các thành phố, Tổng thống Zelensky cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hội kiến với Thủ tướng các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia ở Kiev, ngày 15/3/2022. Ảnh: DW

Ngày 15/3, Tổng thống Zelensky đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Séc Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa tại thủ đô Kiev. Lãnh đạo các quốc gia trên đến Kiev bằng tàu hỏa, xuất phát từ Ba Lan, với tư cách đại diện của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Zelensky coi chuyến thăm của các lãnh đạo châu Âu tới thủ đô Ukraine vào thời điểm khó khăn này là một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ.

“Chúng tôi thực sự đánh giá cao điều đó", Tổng thống Zelensky nói với các vị khách tham dự buổi hội kiến.

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki đã bày tỏ tinh thần đoàn kết và ủng hộ đối với Ukraine.

Ông Morawiecki cũng kêu gọi nhanh chóng cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên thành viên EU, đồng thời cho rằng cuộc chiến ở Ukraine là một vấn đề cần phản ứng tập thể của toàn châu Âu.

"Châu Âu phải hiểu rằng nếu mất Ukraine, mọi thứ sẽ không bao giờ như xưa nữa. Châu Âu sẽ không còn là châu Âu của hiện tại, thay vào đó sẽ là một phiên bản châu Âu thất bại, nhục nhã và thảm hại", Thủ tướng Morawiecki cho biết trên mạng xã hội sau cuộc hội kiến.

Phó Thủ tướng Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski, có mặt trong chuyến thăm Kiev bên cạnh Thủ tướng Morawiecki, cho rằng cần triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu ở Ukraine.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần một lực lượng gìn giữ hòa bình từ NATO, hoặc thậm chí có thể từ một cấu trúc quốc tế lớn hơn, nhưng đó phải là một lực lượng có thể tự vệ và hoạt động trên lãnh thổ Ukraine, sẽ hiện diện ở Ukraine với sự đồng ý của Tổng thống và Chính phủ Ukraine”, ông Kaczynski nói.

Lực lượng này "sẽ nỗ lực vì hòa bình, cung cấp viện trợ nhân đạo, nhưng đồng thời sẽ được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang thích hợp", vị chiến lược gia trưởng về chính sách chính phủ của Ba Lan cho biết.

Đức: Không thể để xảy ra đối đầu quân sự giữa NATO và Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 15/3 một lần nữa lên tiếng phản đối việc NATO can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine bằng các biện pháp quân sự.

"Chúng ta sẽ không thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine", Thủ tướng Scholz tuyên bố tại một sự kiện do báo Die Welt (Đức) tổ chức. Ông cho rằng bước đi này sẽ dẫn đến một "cuộc đối đầu quân sự trực tiếp" với Nga.

"Cùng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đồng minh khác, tôi đồng ý rằng không thể để xảy ra đối đầu quân sự giữa NATO và Nga. Không ai muốn điều đó", ông Scholz nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng phản đối việc NATO can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine bằng các biện pháp quân sự. Ảnh: DW

Thủ tướng Đức cho biết, liên minh phương Tây sẽ tiếp tục dựa vào hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp khác được thiết kế để đảm bảo Nga phải trả giá đắt cho cuộc tấn công quân sự của họ vào Ukraine.

"Tổng thống Vladimir Putin có thể đã lên kế hoạch cho cuộc chiến này trong một năm và chuẩn bị tinh thần cho phản ứng kinh tế từ cộng đồng quốc tế, nhưng ông ấy đã đánh giá thấp quyết tâm của chúng ta: Các lệnh trừng phạt đang có tác động khó chịu hơn so với Nga từng tưởng tượng", ông Scholz nói.

Thủ tướng Đức cũng cảnh báo rằng những bước đi này sẽ có tác động kinh tế đối với Đức và người dân nước này, trong bối cảnh giá xăng dầu và khí đốt tăng kỷ lục một phần không nhỏ do xung đột gây ra.

Nga đáp trả trừng phạt của phương Tây

Canada hôm 15/3 thông báo sẽ trừng phạt 15 quan chức Nga đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho chiến dịch Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin nhằm gây thêm áp lực lên Điện Kremlin để chấm dứt chiến tranh.

"Tổng thống Putin đã lựa chọn tiếp tục cuộc xâm lược bất hợp pháp và không chính đáng của mình, và ông ấy cũng có thể lựa chọn kết thúc nó bằng cách chấm dứt ngay lập tức bạo lực vô nghĩa và rút lực lượng của mình", Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết.

Thông báo này được đưa ra trước khi Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Canada vào chiều ngày 16/3.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/3 cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga, bao gồm 8 Thứ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Moscow, Viktor Zolotov.

Washington cũng gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Belarus Lukashenko như một phần trong kế hoạch trừng phạt các quốc gia và cá nhân ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ở chiều ngược lại, Nga đã có động thái đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một trong những nhân vật có tên trong danh sách trừng phạt của Nga công bố hôm 15/3/2022. Ảnh: Boston Globe

Cụ thể, Moscow đã cấm các lãnh đạo Canada, bao gồm Thủ tướng Justin Trudeau, Ngoại trưởng Melanie Joly và Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand nhập cảnh vào Nga.

Điện Kremlin cũng đang áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức hàng đầu khác trong danh sách trừng phạt của Nga, Điện Kremlin cho biết hôm 15/3.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng là một trong 13 nhân vật có tên trong danh sách này.

Lệnh trừng phạt trên được đưa ra nhằm đáp trả những hạn chế tương tự mà Nhà Trắng áp đặt đối với các quan chức Nga.

Nga rời khỏi Hội đồng Châu Âu

Moscow đã khởi động "thủ tục để rút khỏi Hội đồng châu Âu", Bộ Ngoại giao Nga viết trên Telegram.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực gia tăng đối với việc trục xuất Moscow nhằm đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

Trưởng phái đoàn của Nga tại cơ quan nhân quyền châu Âu này, Pyotr Tolstoy, đã trao một bức thư của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho Tổng thư ký của Hội đồng thông báo về quyết định chính thức rút lui của Moscow.

Tổng thống Mỹ sẽ công du châu Âu bàn về vấn đề Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới châu Âu vào tuần tới để hội đàm trực tiếp với các nhà lãnh đạo châu Âu về xung đột quân sự Nga –Ukraine, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo.

Ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO và châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 24/3. Tổng thống Mỹ cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra cùng ngày để thảo luận về các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga và các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Biden đã ký một dự luật chi tiêu hàng năm của Mỹ, bao gồm 13,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine.

“Tôi vừa ký Dự luật tài trợ Chính phủ Lưỡng đảng thành luật, giữ cho Chính phủ tiếp tục hoạt động và cung cấp khoản tài trợ 13,6 tỷ USD cho Ukraine”, ông Biden viết trên Twitter hôm 15/3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại trụ sở của liên minh ở Brussels, ngày 14/6/2021. Ảnh: France24

Tổng thống Lukashenko: Sự kiên nhẫn của Belarus không phải là không có giới hạn

Tổng thống Alexander Lukashenko hôm15/3 cho biết, Belarus đã đánh chặn một tên lửa bắn vào họ cách đó 2 ngày từ Ukraine, đồng thời Belarus sẽ chống lại những gì mà ông Lukashenko gọi là “nỗ lực lôi kéo Belarus vào cuộc xung đột xuyên biên giới”, Reuters đưa tin.

Theo Reuters, Chính phủ Kiev hôm 11/3 cáo buộc Nga dàn dựng các cuộc không kích "cờ giả" vào Belarus từ Ukraine để tạo cớ cho đồng minh thân cận của Moscow tham gia cuộc xung đột.

"Tôi đã cảnh báo với các vị rằng họ sẽ đẩy chúng ta vào chiến dịch này, vào cuộc chiến này", ông Lukashenko nói với các binh sĩ Belarus, theo hãng thông tấn nhà nước BelTA.

"Chúng ta không có gì để làm ở đó, và chúng ta không được mời", BelTA dẫn lời ông Lukashenko nói. "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa... Chúng ta sẽ không can dự vào chiến dịch mà Nga đang tiến hành ở Ukraine".

Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko cảnh báo, sự kiên nhẫn của Belarus không phải là không có giới hạn. Ông cho biết, tên lửa đã bị Belarus đánh chặn và phá hủy với sự giúp đỡ của Nga tại khu vực Pripyat, gần biên giới Ukraine.

Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, Reuters, NDTV, TRT World)