Góc nhìn luật gia

Vụ chiến sĩ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch: Có thể khởi tố vụ án?

Một thượng úy công an khi đuổi theo bị đối tượng lưu thông vào khung giờ không được ra đường đạp vào đầu xe, ngã xuống đường hy sinh.

Tối ngày 2/8, tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 của công an phường 10, quận 6 (TPHCM) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn. Khi đến trước số nhà 608/15 An Dương Vương, phường 11, quận 6, tổ công tác phát hiện Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ quận 6) ra đường sau 18h, vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, đã tiến hành dừng xe, kiểm tra giấy tờ và đưa đối tượng về trụ sở công an phường 11 để làm việc.

Trên đường di chuyển, bất ngờ Võ phóng xe máy tháo chạy, lúc này Thượng úy Phan Tấn T. – cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6, đang được tăng cường đến công an phường 10, liền đuổi theo truy bắt.

Khi đến đường Lò Gốm, phường 8, quận 6 thì Thượng úy T. mất lái, khiến xe tông thẳng vào một nhà dân ven đường. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy nhưng tử vong lúc 21h30 cùng ngày, đối tượng Võ đã tăng ga tẩu thoát.

Hiện trường nơi trung úy T gặp nạn (ảnh: Pháp luật Việt Nam)

Nhận tin báo, Công an quận 6 lập tức có mặt tại hiện trường, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP HCM, khám nghiệm điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời tổ chức truy bắt đối tượng.

Sau khi bỏ trốn, Võ đã ra công an phường 11 trình diện ngay trong đêm. Cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm vụ việc.

Đối tượng Võ tại cơ quan công an (Ảnh: Lao động)

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh cả nước “Chống dịch như chống giặc”, vụ việc Thượng úy Phan Tấn T. – cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an thành phố Hồ Chí Minh hi sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid 19 là sự mất mát, xót xa rất lớn.

Lực lượng CAND luôn đi đầu trong trong phòng tuyến chống dịch, điều tra truy xét các ổ dịch, tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an ninh trong thời gian giãn cách xã hội, xử lý các hành vi vi phạm phòng chống dịch vì sức khỏe của cộng đồng. Sự hi sinh anh dũng của Thượng úy Phan Tấn T. trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần thiết được Đảng và Nhà nước công nhận liệt sĩ, trao Bằng tổ quốc ghi công. Đây là sự tri ân của toàn xã hội trong bối cảnh tình hình phòng chống dịch bệnh đang diễn ra rất cấp bách tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với đối tượng Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ quận 6), theo Luật sư Thơm, hành vi ra đường sau 18 giờ, đã vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19, vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn 2468, 2490 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Hứa Hán Võ sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về lỗi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế".

Trước câu hỏi về việc có thể khởi tố hình sự, khởi tố bị can trong sự việc này hay không? Luật sư Thơm bày tỏ quan điểm: "Để có căn cứ xử lý về hình sự vụ việc Thượng úy Phan Tấn T. bị tử vong trên đường truy đuổi đối tượng vi phạm, cần phải dựa trên kết quả điều tra để làm rõ có hay không việc đối tượng Hứa Hán Võ có hành vi tác động vào phương tiện xe mô tô của Thượng úy điều khiển hay không.

Nếu xác định, đối tượng có hành vi tác động trực tiếp (ví dụ như dùng chân đạp,..), là nguyên nhân chính gây ra hậu quả làm cho Thượng úy T mất lái dẫn đến tử vong. Thì lúc đó có thể khởi tố vụ án, xử lý đối tượng về tội Giết người theo quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 123 BLHS. Lỗi vi phạm của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự  “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Về ý thức chủ quan, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, đối tượng tuy không mong muốn làm chết người nhưng đã bỏ mặc hậu quả xảy ra thì với việc làm Thượng úy Công an tử vong, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

 

 

Điều 123. Tội giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.   

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ