Văn hoá

Chiêm ngưỡng các sản phẩm được chế tác trong đại dịch tại Khánh Hòa

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội theo Chỉ chị 16 của Chính phủ, các nghệ nhân tại Làng nghề Trường Sơn đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo.

Ngày 2/4, tại Tp.Nha Trang, Làng nghề Trường Sơn đã tổ chức chương trình chào mừng 47 năm ngày giải phóng Nha Trang – Khánh Hòa (2/4/1975 – 2/4/2022) và công bố sản phẩm được chế tác trong đại dịch.

Tại chương trình, ông Nguyễn Đắc Tài, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa cho biết làng nghề Trường Sơn là một không gian nghệ thuật sáng tạo, chế tác, phục dựng, sắp đặt và trình diễn hài hòa giữa các tác phẩm, những tạo hình độc đáo những gì là hồn cốt của cuộc sống thuần chất làng quê Việt Nam.

Nơi đây có những ngành nghề, vật dụng thân quen với cuộc sống thôn quê truyền thống gắn với một không gian thiên nhiên bình dị của các loại hoa, cây cỏ. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc.

“Bình thường, những công sức sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã là rất đáng quý, đáng trân trọng. Trong hoàn cảnh cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải căng mình vật lộn vượt qua bao khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn tâm huyết, miệt mài sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được công bố hôm nay thì những tác phẩm nghệ thuật ấy lại càng đáng trân trọng hơn gấp bội phần”, ông Tài nói.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại chương trình.

Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 song các nghệ nhân Làng nghề Trường Sơn đã cống hiến, chế tác, cho ra đời nhiều sản phẩm.

Trong đó có các sản phẩm tiêu biểu như giàn phong linh 54 bộ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam; tranh thư họa chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp và tranh thư hoạ chân dung chị Tư Hậu; cây đàn guitar thùng được ra đời trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, còn có đàn Chimkram có nguồn gốc từ Tây Nguyên lần đầu được làm thành công tại Khánh Hòa, bộ tranh cát các con giáp có kích thước lớn…

Cây đàn guitar thùng ra đời trong thời kỳ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được các nghệ sĩ kiểm định chất lượng âm thanh.

Bức tranh thư hoạ chân dung chị Tư Hậu được giới thiệu tại buổi lễ.

Đàn Chimkram có nguồn gốc từ Tây Nguyên lần đầu được làm thành công tại Khánh Hòa.

Giàn phong linh 54 bộ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc dân tộc anh em.

Tranh cát các con giáp có kích thước lớn.

Ngoài ra, trong chương trình, làng nghề cũng đã giới thiệu bộ đàn đá 15 thanh được chế tác trên hệ thống thang âm mi trưởng được thực hiện bởi nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông và những người thợ thủ công.

Tại buổi lễ, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa đã công bố danh sách các sản phẩm quà lưu niệm gồm đàn guitar; gốm; tranh thư pháp đan, in, thêu; tranh cát; độc huyền cầm bằng tre; đàn T-rưng mini 15 ống; tò he đất sét; bầu chạm khắc… được các nghệ nhân Làng nghề Trường Sơn chế tác trong những ngày đại dịch vừa qua.

Nhiều nghệ nhân đã chia sẻ những cảm xúc, dấu mốc đáng nhớ khi chế tác các sản phẩm mang dấu ấn trong những thời điểm đặc biệt này.

Đại biểu tham quan các sản phẩm lưu niệm do các nghệ nhân Làng nghề Trường Sơn chế tác trong những ngày đại dịch vừa qua.

Bộ đàn đá 15 thanh được chế tác trên hệ thống thang âm mi trưởng.

Trong chương trình, đại diện Hội Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao cho bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa bằng xác kỷ lục thế giới về bộ sưu tập bút có số lượng nhiều nhất. Bộ sưu tập bút của ông được xác lập kỷ lục thế giới vào tháng 2/2022. Hiện nay, bộ sưu tập này đang được trưng bày, lưu giữ tại làng nghề.

Dịp này, Làng nghề Trường Sơn đã trao tặng 200 triệu đồng đến các bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần Khánh Hoà, Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh và Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa.

Trao bằng xác lập kỷ lục thế giới cho bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Lãnh đạo Tp.Nha Trang và lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa trao tiền thiện nguyện cho các đơn vị.

Làng nghề Trường Sơn được hình thành với mục đích trở thành một khu triển lãm có kiến trúc mang tính dân gian nhằm trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh Khánh Hòa.

Đồng thời, đây cũng là nơi để các nghệ nhân sáng tác, biểu diễn cho du khách xem quá trình sản xuất các sản phẩm như đan song mây, đan tre, dệt chiếu, mộc mỹ nghệ, vẽ nghệ thuật… Làng nghề có diện tích gần 2 ha. Tại đây, được chia làm nhiều khu như khu trưng bày, khu sáng tác, khu trình diễn các ngành nghề thủ công đặc sắc của Khánh Hòa, khu ẩm thực, khu cây xanh – cảnh quan, kết hợp với triển lãm các loại cây cảnh của các nghệ nhân trong tỉnh.

Cũng tại nơi này, du khách còn được mục sở thị 10 kỷ lục Việt Nam do chính các cá nhân và tập thể làng nghề thực hiện.

Clip: Làng nghề Trường Sơn công bố các sản phẩm được chế tác trong đại dịch.

Châu Tường