Hồ sơ

Chiếc thẻ ra vào cơ quan và những lời đồn đoán về ông Putin

Trong khi tờ báo Đức cho rằng tấm thẻ cảnh sát ngầm Đông Đức được cấp cho Thiếu tá Putin vào ngày 31/12/1985 và có hiệu lực tới cuối năm 1989, giới chức Nga lại khẳng định tấm thẻ trên "có khả năng cao" chỉ là một tấm thẻ để ra vào trụ sở của Stasi ở Dresden.

Theo NewYork Times, quãng thời gian Tổng thống Nga Putin đảm đương nhiệm vụ của một nhân viên tình báo của Liên Xô ở Đông Đức luôn được giữ bí mật.

Tuy nhiên, tờ báo Bild của Đức mới đây đã đăng tải một bức ảnh chụp một tấm thẻ cảnh sát ngầm Đông Đức (Stasi) có vẻ như thuộc về Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi ông còn là một sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên Xô (KGB) tại Dresden trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tấm thẻ màu xanh có tên chính thức của Stasi - Bộ An ninh Quốc gia (Đông Đức) - cùng với một bức ảnh của ông Putin và số thẻ căn cước in dọc bên dưới. Tờ Bild nói rằng, tấm thẻ này được tìm thấy tại bộ phận "cán bộ và giáo dục" của văn phòng Stasi ở Dresden và được cấp cho Thiếu tá Putin vào ngày 31/12/1985, thẻ có hiệu lực tới cuối năm 1989.

Chiếc thẻ được cho là thẻ điệp viên ở Đông Đức của Tổng thống Putin

Nếu tấm thẻ trên là hợp pháp, đồng nghĩa với việc khi ông Putin đang hoạt động tại Đức, ông ấy "sẽ không phải nói với bất kỳ ai rằng ông ấy làm việc cho KGB", theo Konrad Felber, người đứng đầu cơ quan phụ trách nghiên cứu các tài liệu Stasi ở Dresden. Điều đó có lẽ cũng sẽ giúp ông dễ dàng tuyển mật vụ - một trong những vai trò chính của ông Putin tại KGB, báo Đức suy đoán.

Tuy nhiên, Cựu Thiếu tướng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksander Mikhailov nói với Ria Novosti rằng, tờ Bild có thể suy diễn tất cả những gì họ muốn nhưng tấm thẻ trên "có khả năng cao" chỉ là một tấm thẻ để ra vào trụ sở của Stasi ở Dresden. Theo ông Mikhailov, tòa nhà này có lẽ có một căn phòng để "các sĩ quan của chúng tôi có thể viết và lưu trữ các tài liệu", một thói quen phổ biến vào thời điểm đó.

Tương tự như tại Liên Xô, các sĩ quan đến từ Cơ quan Tình báo Hiệp ước Warsaw cũng yêu cầu được phép vào làm việc tại các văn phòng của KGB tại Moscow và họ có một tấm thẻ ra vào giống như thẻ căn cước của sĩ quan KGB, ông Mikhailov giải thích thêm.

Đồng quan điểm, Douglas Selvage, người từng làm việc cho Stasi, hôm qua khẳng định trên điện thoại rằng: “Đây không phải là bằng chứng cho thấy ông ấy đã làm việc cho Stasi”.

Điện Kremlin không bình luận cũng không phủ nhận về các thông tin trên báo Đức.

Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết việc tìm thấy thẻ của ông Putin không hoàn toàn bất ngờ.

Tổng thống Nga Putin 

“Như nhiều người biết vào thời điểm Liên Xô còn tồn tại, KGB và Stasi là hai cơ quan tình báo đối tác, nên bạn không thể loại trừ khả năng có sự trao đổi các loại thẻ nhận dạng như vậy”, ông Dmitry Peskov cho hay.

Theo đài BBC, ông Putin sinh ra ở Leningrad (nay là St Petersburg) và được gửi đến Đông Đức từ năm 1985 ở tuổi 33. Hai cô con gái của ông cũng được sinh ra trong quãng thời gian đó. Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga đã bước sang tuổi 66.

Ông Putin làm việc cho KGB ở TP Dresden cho đến tháng 12/1989, khi Đông Đức sụp đổ. Thẻ Stasi của ông được gia hạn 3 tháng một lần. Không rõ lý do ông để lại chiếc thẻ trong kho lưu trữ ở TP Dresden.

Thời điểm đó, ông Putin thông thạo tiếng Đức và xác nhận mình đích thân trấn an đám đông ở TP Dresden khi họ bao vây tòa nhà Stasi. Trong thời gian phục vụ KGB tại TP Dresden, ông Putin được thăng lên cấp bậc trung tá.

Năm 1989, ông Putin được Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) trao tặng huy chương đồng "vì sự phục vụ trung thành dành cho Quân đội Nhân dân Quốc gia", trang web Điện Kremlin viết.

Sau khi trở về Nga, ông Putin vươn lên vị trí người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB - kế thừa của KGB) và trở thành tổng thống vào năm 2000.

Tháng 6/2017, phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga, ông Putin mô tả các điệp viên KGB là những người có "phẩm chất, niềm tin và tính cách đặc biệt".

Xem thêm >> Căng thẳng Nga-Ukraine: "Lá bài" cuối cùng của Mỹ và NATO đã thất bại?