Đời sống

"Chia tay" xe khách, tự lái xe máy về quê đón Tết cần lưu ý gì?

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cận kề, tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều người chọn về quê đón Tết bằng xe máy cho an toàn .

Hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương “vận động” người dân không về quê dịp Tết để dảm bảo sức khỏe cũng như công tác phòng chống dịch. Tuy vậy, vẫn nhiều người chọn về quê ăn Tết, thay vì sử dụng phương tiện công cộng nhiều người đã lựa chọn xe máy để tiết kiệm chi phí, phần vì thoải mái hơn về mặt giờ giấc, thời gian, tự do trong việc dừng - nghỉ - và hạn chế tiếp xúc với người khác.

Nhiều người lựa chọn phương tiện xe máy về quê thay vì phương tiện công cộng bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.

Hành trình di chuyển về nhà bằng xe máy người dân cần lưu ý:

Kiểm tra xe trước khi di chuyển

Trước khi chuyến hành trình về quê bằng xe máy, cần kiểm ra các chi tiết cơ bản của phương tiện như lốp xe, sên-nhông-dĩa, phanh trước sau,... Nếu các chi tiết này đã mòn hoặc hư hỏng thì cần phải thay mới.

Để có tầm nhìn tốt, gương chiếu hậu cần được gắn đầy đủ. Đèn pha và xi-nhan phải đảm bảo hoạt động để di chuyển trong đêm.

Đổ đầy bình xăng

Khi về quê chặng đường dài cùng với đó là nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bạn sẽ rất bất tiện khi phải dừng giữa chừng để đổ xăng, nhất là khi bạn đã chằng, buộc đồ cố định lên xe. Do đó, những người có kinh nghiệm khuyên rằng, bạn nên đổ đầy bình xăng trước khi bắt đầu xếp đồ lên xe, vừa tiết kiệm thời gian và tránh những phiền phức.

Mang theo đầy đủ giấy tờ

Không chỉ là khi đi về quê ăn Tết mà khi đi đường thông thường cũng cần mang theo đầy đủ các loại giấy tờ này: Đăng ký xe, Bảo hiểm xe máy bắt buộc, giấy phép lái xe.

Chọn trang phục phù hợp

Lái xe đường dài bạn nên mặc áo khoác, quần dài, đeo găng tay và mang giày để giữ ấm cơ thể trong điều kiện thời tiết trở lạnh.

Hạn chế sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu, tốt nhất nên sử dụng loại mũ nguyên đầu (full-face) hoặc 3/4. Nếu có thể, bạn nên mặc thêm giáp bảo hộ, giày cổ cao và găng tay có lớp bảo vệ, tránh những chấn thương nghiêm trọng khi gặp tai nạn.

Chú ý về thời gian đi/đến, tránh đi vào những khung giờ cao điểm nhưng cũng hạn chế tối đa việc đi đường khi trời tối, rất nguy hiểm.

Hạn chế vào quán ăn đông người

Nếu quãng đường quá xa, bạn nên có kế hoạch nghỉ chân hợp lý, không nên đi "cố" sẽ gây mệt mỏi và nguy hiểm. Những người có kinh nghiệm cho rằng, bạn nên dừng nghỉ với mỗi chặng 50-60km.

Hạn chế ngồi nghỉ tại các quán ăn, quán nước dọc đường như hàng năm. Thay vào đó, nên mang theo chai nước cùng đồ ăn nhẹ để ăn dọc đường. Có thể ghé vào một nơi vắng vẻ, râm mát trên đường về quê để uống nước, và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, khi điều khiển xe máy, bạn cũng không nên đeo tai nghe và sử dụng điện thoại khi đi đường để đảm bảo an toàn. Khi dừng nghỉ trên đường, hãy dựng xe gọn gàng ở nơi rộng rãi, tránh làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác.

Không nên chở hành lý nặng nề, to lớn dễ gây vướng víu trong lúc điều khiển xe máy. Ảnh minh họa.

Nắm vững các quy định của địa phương

Nắm vững các quy định của địa phương (thường trên trang web của tỉnh/thành phố), hỏi người thân ở nhà về việc cách ly nếu về quê.

Biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào bằng cách truy cập vào bản đồ Covid-19 của TP mình đang sống để kiểm tra. Ví dụ ở Hà Nội có thể truy cập vào website https://covidmaps.hanoi.gov.vn.

Chuẩn bị khẩu trang (vải/y tế), dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người).

Mỗi người nên chuẩn bị sẵn 1 test nhanh kháng nguyên Covid-19.

Người về nên là người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, người chưa tiêm hoặc có bệnh nền thì không nên về.

Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê.

Đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.

Khai báo y tế đầy đủ trên app PC-Covid.

Hạn chế tối đa việc đi chúc Tết, tiếp khách nơi thoáng mát.

Thực hiện 5K ở mức cao nhất có thể.

Trúc Chi (tổng hợp)