Góc nhìn luật gia

Chia sẻ của người trong cuộc: Vì sao nhiều Thẩm phán xin nghỉ việc?

TAND TP HCM nhận nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán, thư ký trong khi số vụ việc ngày càng tăng. Vì đâu nên nỗi...?

Mới đây, tại  buổi thảo luận công tác tư pháp chiều 4/11, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP HCM) cho biết, thời gian qua đơn vị nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy.

Nêu dẫn chứng, bà Thuý nói mới nhất một thẩm phán đã lần thứ hai xin nghỉ. Tuy nhiên, tòa chỉ cho thư ký nghỉ việc, còn thẩm phán chỉ xét với "người bệnh nặng".

Nói riêng về ngành tòa án tại TP HCM, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho biết: Mỗi năm các loại án tăng trên 10.000 vụ. Mỗi tháng, một thẩm phán quận phải giải quyết hơn 10 vụ án. Trong khi đó chế độ đãi ngộ, tiền lương hiện "không đủ để trang trải cuộc sống".

Là người cầm cân nảy mực, nhân danh Nhà nước để ra các phán quyết pháp lý có tính chất quyết định đến sinh mệnh của một con người, một tổ chức; Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội đã dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ về những khó khăn, vất vả của người làm nghề; chưa kể nhiều lúc ngồi “ghế nóng”, điều hành phiên tòa xét xử các vụ án lớn.

Trong đó phải nhắc tới vụ Đại án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã được mở vào ngày 28/8/2017.

Sau hơn 1 tháng đưa vụ án ra xét xử công khai tại TAND TP Hà Nội, ngày 29/9/2017, HĐXX đã tuyên một bản án gồm 01 án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên TGĐ Oceanbank; 01 án chung thân đối với Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và nhiều án treo cho các giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Phòng giao dịch của Ngân hàng Đại Dương.

Một vụ án xét xử tại TAND TP.HCM. (Ảnh Infonet)

Nhắc lại vụ án, Thẩm phán Trương Việt Toàn không thể không nhớ tới những con số kỷ lục hiếm gặp so với các đại án kinh tế được cơ quan tố tụng trong cả nước đưa ra xét xử thời gian gần đây. Cụ thể, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nguyên đơn dân sự, người làm chứng…được triệu tập tới tòa lên tới 727 đương sự.

Có khoảng 50 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, các đương sự tại phiên tòa. Vụ án có 51 bị cáo, trong đó cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh - Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.

Chia sẻ với PV, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết: Khối lượng hồ sơ, tài liệu vụ án Hà Văn Thắm là đặc biệt lớn. Hơn hai mấy nghìn bút lục nhưng Thẩm phán chỉ có thời gian nghiên cứu vẻn vẹn trong vòng một tháng.

“Theo yêu cầu nhiệm vụ được phân công, HĐXX tập trung tiến độ nghiên cứu hồ sơ trong 1 tháng, thời gian đọc hồ sơ rất áp lực, đến độ HĐXX gần như không có ngày nghỉ”, Thẩm phán Toàn chia sẻ.

Do áp lực, tính chất công việc như vậy nên tâm trạng, sức khỏe của HĐXX tương đối mệt mỏi, song được sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho HĐXX làm việc nên những người Thẩm phán đã cảm thấy yên tâm và hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.

Cũng là một người có nhiều năm cống hiến, công tác trong ngành tòa án, nguyên thẩm phán Phạm Xuân Anh, hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang chia sẻ:

Hiện nay, ngành tòa án gần như đang bị quá tải khi phải phải giải quyết rất nhiều các vụ việc từ hành chính, dân sự đến hình sự, lao động… Trong đó, thẩm phán chịu rất nhiều áp lực khi xét xử các vụ án, đòi hỏi đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ... mới có thể phán quyết chính xác, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, các chế độ đãi ngộ, tiền lương dành cho thẩm phán chưa tương xứng. Chưa kể, trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án (nhất là trong lĩnh vực dân sự) còn bị một số thành phần xấu tỏ thái độ chống đối, cản trở, gây khó khăn, thậm chí đe dọa đến các cán bộ, nhân viên trong ngành tòa án, làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như gây áp lực cho họ.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đã được sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội.

Bộ luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng hình sự, luật hành chính cùng nhiều luật khác được ban hành mới đã quy định nhiều trình tự, thủ tục phức tạp. Trong khi khối lượng công việc nhiều, các thẩm phán, thư ký không có đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ.

Cũng theo sự tìm hiểu của nguyên thẩm phán Phạm Xuân Anh thì tình trạng thẩm phán xin nghỉ việc diễn ra chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi có nhiều ngành nghề khác có mức thu nhập cao hơn, phù hợp với trình độ, chuyên môn của thẩm phán, thư ký nên tư tưởng một số thẩm phán, thư ký xin nghỉ việc là có.

Trước đó, phát biểu tại buổi thảo luận công tác tư pháp chiều 4/11 vừa qua, Đại biểu Trần Hồng Hà, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đồng tình với các quan điểm nêu trên và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức tòa án, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán để họ yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là bảo vệ công lý.