Thế giới

Sự chia rẽ lộ rõ trong EU về áp giá trần khí đốt Nga

Lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm gần 90% trong 12 tháng, qua theo sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 9/9 đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm ra cách giúp bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi các hóa đơn năng lượng cao ngất trời.

Tuy nhiên, kết quả không được như ý. Sự chia rẽ lộ rõ trong khối này khi nói đến vấn đề giới hạn giá khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm gần 90% trong 12 tháng qua, khi căng thẳng theo sau xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng các vấn đề về nguồn cung.

Tuy không thống nhất được về khí đốt Nga, nhưng các Bộ trưởng đến dự cuộc họp khẩn đã cho thấy sự ủng hộ rộng rãi đối với các động thái nhằm ngăn chặn các nhà cung cấp điện bị đè bẹp bởi tình trạng suy giảm thanh khoản. Một số Bộ trưởng cho rằng cần phải tách giá khí đốt khỏi các nguồn năng lượng rẻ hơn khác.

Các nhà lập pháp EU nhiều lần cáo buộc Nga vũ khí hóa xuất khẩu năng lượng để đẩy giá hàng hóa lên cao và gieo rắc sự bất ổn trong toàn khối. Moscow phủ nhận việc sử dụng năng lượng làm vũ khí. Ảnh: Getty Images

Cuộc họp cấp Bộ trưởng EU hôm 9/9 nhằm mục đích đưa ra các lựa chọn để thảo luận thêm, thay vì đi đến quyết định cuối cùng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng do tác động của xung đột Nga-Ukraine. Nhưng nhiều người cho rằng cần phải nhanh chóng thỏa thuận và hành động.

“Chúng ta đang trong một cuộc chiến năng lượng với Nga”, Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Sikela cho biết. “Chúng ta phải gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ các hộ gia đình, nền kinh tế của chúng ta”.

Hóa đơn năng lượng, vốn đã tăng cao khi nhu cầu về khí đốt phục hồi từ đại dịch Covid-19, đã tăng vọt kể từ khi Moscow phát động tấn công quân sự vào Ukraine. Khi Nga giảm vận chuyển khí đốt sang châu Âu theo sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, chính phủ các nước EU đã cố gắng hạn chế cú sốc về giá năng lượng.

Đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về giới hạn giá khí đốt Nga cho đến nay đã không nhận được sự ủng hộ từ đa số các quốc gia thành viên, với việc Nga đe dọa sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung còn lại nếu một bước đi như vậy được thực hiện.

Các quốc gia vùng Baltic nằm trong số những thành viên ủng hộ ý tưởng này. Họ cho rằng nó sẽ góp phần thắt chặt nguồn tài chính mà Moscow dùng để tài trợ cho các hoạt động quân sự ở Ukraine.

“Nga đã yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đảm bảo nguồn cung khí đốt. Đó là hành động tống tiền. Chúng ta không thể lùi bước, chúng ta phải đoàn kết, chúng ta phải có ý chí chính trị để giúp Ukraine giành chiến thắng”, Bộ trưởng Kinh tế Estonia Riina Sikkut nói.

Nhưng các quốc gia Trung và Đông Âu, những nước phụ thuộc nặng nề hơn vào năng lượng từ Nga so với các nước khác, lo sợ mất hết nguồn cung, trong khi một số người hoài nghi liệu việc áp giá trần có hiệu quả khi lượng hàng được giao thấp như vậy hay không.

“Nếu các hạn chế về giá được áp dụng riêng đối với khí đốt của Nga, điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến việc nguồn cung khí đốt của Nga ngay lập tức bị cắt giảm”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Politico.eu

Trước khi cuộc họp này diễn ra, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã làm công tác “tiền trạm” bằng việc đề xuất một kế hoạch gồm 5 điểm, bao gồm giới hạn giá khí đốt nhập từ Nga, thuế bạo lợi đánh vào lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch, mục tiêu bắt buộc về giảm sử dụng điện và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các công ty điện lực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại các đề xuất bằng cách đe dọa xé bỏ các hợp đồng cung cấp hiện tại nếu giới hạn giá xuất khẩu năng lượng của Nga được áp đặt, đồng thời cảnh báo rằng ông sẵn sàng để châu Âu “đóng băng” trong những tháng mùa đông sắp tới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 9/9 đã cảnh báo rằng phương Tây không hiểu được mức giới hạn giá năng lượng có thể tác động đến quốc gia của họ như thế nào. Bà nói: “Phương Tây không hiểu: việc áp dụng giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của Nga sẽ dẫn đến một mặt sàn trơn trượt dưới chân của chính họ”.

Minh Đức (Theo Reuters, CNBC)