Xu hướng thị trường

Chìa khoá giải bài toán 2.000 tấn rác từ nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh

Hằng năm, có khoảng 2.000 tấn rác thu gom được trên Vịnh Hạ Long, trong đó 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thuỷ sản.

Video:

Huyện Vân Đồn được coi là vựa hàu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, với diện tích nuôi trồng khoảng 4.000 ha. Không chỉ được tiêu thụ nội địa, hàu còn là sản phẩm thường xuyên được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với số lượng lớn.

Các hộ dân nuôi trồng tại đây thường sử dụng phao xốp để nuôi trồng thuỷ sản vì phao xốp có độ nổi mặt nước tốt. Nhiều hộ dân cho biết, việc sử dụng phao xốp trong nôi trồng thuỷ sản của ngư dân Vân Đồn khá phổ biến bởi giá thành rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, độ bền sử dụng của phao trung bình từ 2-3 năm, khi bị tác động của thời tiết mưa bão sẽ phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái.

Báo cáo của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hằng năm các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác từ Vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ nuôi trồng thuỷ sản.

Để tránh tình gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, nhiều Hợp tác xã trên địa bàn đã chuyển đổi từ nuôi hàu truyền thống bằng thùng xốp sang sử dụng phao nhựa để nuôi hàu.

Ông Nguyễn Bá Bính - Giám đốc Hợp tác xã Phất Cờ, đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn cho biết, thực hiện theo chủ trương của tỉnh, đã chuyển từ dùng thùng xốp sang dùng nhựa HPDE để nuôi hàu, vừa để nâng cao năng suất vừa để bảo vệ môi trường biển.

"Sử dụng phao xốp như trước đây giá thành sẽ rẻ hơn so với sử dụng phao nhựa HDPE nhưng trong vòng khoảng 2 năm sẽ bị hư hỏng còn sử dụng HDPE sẽ mất nhiều tiền đầu tư hơn nhưng tuổi thọ sẽ được lâu hơn vào đảm bảo cho môi trường. Hiện nay tôi đang có hơn 4 ha sử dụng nhựa HDPE bảo vệ môi trường", ông Bính cho hay.

Phao nhựa nuôi hàu HDPE được sản xuất theo công nghệ thổi từ hạt nhựa HDPE đặc chủng. Loại nhựa này chỉ dành cho bà con nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, các phao được kết nối với nhau bằng các sợi dây cách nhau khoảng 3m và thả nổi trên mặt nước.

Các con hàu giống sẽ được bám vào các dây gắn lên dây thừng cách nhau 30cm thả xuống mặt nước biển. Phao nhựa nuôi hàu có nhiều kích thước khác nhau, tùy theo khả năng chịu tải mong muốn của phao.

Ông Bính cũng cho biết, sau 1 năm đầu tiên đầu tư thì không thu hồi được vốn, đến năm nay bắt đầu thu hồi được vốn và có lãi.

“Đến nay, sản lượng hàu đạt chất lượng cao, các thương lái thu mua chưa phải trả lại hàng lần nào”, ông Bính cho hay.

Để nâng cao giá trị của hàu cũng như chất lượng, ông Bính còn áp dụng biện pháp xen canh nuôi rong biển, vừa tạo môi trường cho hàu, vừa mang lại giá trị kinh tế. Rong biển vừa có thể bán được, vừa có thể làm sạch môi trường cho hàu, giúp hàu nâng cao chất lượng….

Ngoài sử dụng các phao nổi để nuôi hàu, hợp tác xã phất cờ còn sử dụng các nhà lồng, bè nuôi cá cũng bằng nhựa HDPE.