Giáo dục

Chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm: Hướng đi đúng nhưng chưa toàn diện

Bộ GD&ĐT lần đầu tiên sử dụng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm làm tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Đây được xem là “điểm sáng” để cân bằng cung - cầu nguồn nhân lực trong thực tế, hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.

Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên và trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được bộ GD&ĐT ban hành, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo báo cáo của các trường được dùng làm một tiêu chí trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Đào tạo phải đáp ứng nhu cầu nhân lực

Thông tin về việc làm của sinh viên tốt nghiệp có trọng số cao trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, phân tầng, xếp hạng sẽ là một trong những tiêu chí tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường. Tuy nhiên, chủ trương này cũng đặt ra nhiều “băn khoăn” trước những số liệu báo cáo được đánh giá là khó kiểm chứng của các trường hiện nay.

Theo văn bản của bộ GD&ĐT, từ năm 2018, trường nào không báo cáo hoặc báo cáo không đạt yêu cầu, không công khai thông tin này theo quy định thì sẽ không được thông báo tuyển sinh. Thực tế, dù trường thừa nhận chưa đạt ngay trong báo cáo nhưng vẫn không có trường nào không được tuyển sinh. Chính điều này khiến nhiều người lo ngại, việc sử dụng con số này trong xác định chỉ tiêu sẽ gây ra tiêu cực.

Vì vậy, dù ủng hộ cách làm mới này của bộ GD&ĐT, đại diện các trường đều tỏ ra lo ngại trước thực trạng báo cáo việc làm hiện nay của nhiều trường.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng là căn cứ quan trọng để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Có thể nhận thấy, việc dựa vào tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh là điều cần thiết. Các trường đào tạo tốt, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao cũng là rõ ràng”.

Đồng tình với quan điểm đó, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng đại học Sư phạm Hà Nội cũng khẳng định: “Sinh viên có việc làm là một tiêu chí quan trọng, bởi vì, nếu ra trường không có việc làm thì đào tạo nhiều để làm gì.

Đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội, nếu sinh viên tốt nghiệp lại không được tuyển dụng thì thật lãng phí. Cần có sự khảo sát trong thực tế về nhu cầu nhân lực, khảo sát số lượng, chất lượng đào tạo, đáp ứng đội ngũ lao động trong sự phát triển đa dạng của xã hội. Đó nên là một nguyên tắc của đào tạo nhân lực.

Trước đây, do không có căn cứ nào, chỉ tiêu tuyển sinh không sát thực tế, dẫn đến đào tạo thừa, không cân đối với nhu cầu nhân lực trong xã hội, gây ra sự tốn kém, đồng thời tạo tình trạng thất nghiệp nặng nề. Sự thay đổi này đang hướng đến phát triển cân bằng cung - cầu giữa nhân lực và việc làm”.

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, sự thay đổi này đang hướng đến phát triển cân bằng cung - cầu giữa nhân lực và việc làm.

Xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn cần nhiều tiêu chí

Đánh giá việc căn cứ tỷ lệ sinh viên có việc làm để xác định chỉ tiêu tuyển sinh la một hướng đi đúng, song, TS. Vũ Thu Hương cũng khẳng định: “Tuy nhiên, nếu các trường chỉ lấy con số khảo sát sau một năm cũng chưa thực sự chính xác. Có rất nhiều lựa chọn cho các bạn khi mới ra trường, theo tôi, cũng rất hợp lý, ví dụ như đi du học, học chuyên ngành khác, học nâng cao, lập gia đình hoặc gặp khó khăn nào đó trong cuộc sống mà chưa sẵn sàng làm việc ngay,…

Ví dụ, sinh viên của tôi, sau khi ra trường, lập gia đình và sinh em bé nên chưa xin việc được trong một năm, nhưng sau đó, khi đã ổn định gia đình, các bạn ấy đi xin việc lại được ngay.

Chính vì vậy, chỉ lấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm để làm tiêu chí đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh thì chưa thực sự hợp lý. Nên coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng, và chọn kết quả khảo sát là tỷ lệ phần trăm trong khoảng 5 năm trở lại đây thì sẽ hợp lý hơn”.

Bà dẫn chứng: “Thực tế, tỷ lệ sinh viên ra trường làm việc đúng chuyên ngành của đại học sư phạm Hà Nội rất cao, nhưng không phải tất cả đều có việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi ra trường, vì rất nhiều lý do của cuộc sống”.

Việc điều tra, công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đã được thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục đại học trong các năm qua, từ 1/1/2017, vì luôn là mối quan tâm của người học và là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng.

Tuy nhiên, tỷ lệ này khi các trường công bố trên website là dữ liệu để xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam trong năm 2018 đã gây nhiều tranh cãi vì tính trung thực của các báo cáo.

Trước tiêu cực này, TS. Vũ Thu Hương bày tỏ: “Cũng không khó để ngăn chặn tiêu cực, nếu như chỉ coi tỷ lệ đó là một trong những tiêu chí, chứ không phải tiêu chí duy nhất để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường đại học sẽ không cố gắng “làm đẹp” kết quả khảo sát nếu còn nhiều tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh”.

Theo TS. Hương, nên đưa thêm khảo sát ý kiến, đánh giá của các nhà tuyển dụng hàng năm về uy tín, chất lượng của các trường: “Chẳng hạn, đặt trong trường hợp họ đi tuyển dụng thì sẽ ưu tiên bằng cấp của những trường nào, họ thích sinh viên tốt nghiệp từ những trường nào hơn… Đó cũng là một trong những yếu tố hay để tham khảo khả năng việc làm của sinh viên.

Nếu một trường đưa ra con số tỷ lệ việc làm rất cao nhưng nhiều nhà tuyển dụng lại không đánh giá cao thì chắc chắc con số mà trường cung cấp là không chính xác”.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, còn rất nhiều tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của một trường.

“Bên cạnh đó, cũng nên căn cứ vào sức hấp dẫn của chương trình đào tạo, dựa trên cách đánh giá của sinh viên. Chương tình đào tạo với các môn học hấp dẫn và cần thiết đối với nhu cầu, hiểu biết, kỹ năng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên.

Mà sức hấp dẫn của chương trình đào tạo ở mỗi trường không giống nhau, do năng lực và cách truyền đạt của giảng viên quyết định. Nội dung có thể giống nhau, nhưng giảng viên có bí quyết để biến kiến thức đó trở nên sinh động và lôi cuốn đối với sinh viên thì không phải ai cũng có thể, vì thế, sẽ tránh được tình trạng “sao chép y nguyên” chương trình đào tạo giữa các trường đại học”, bà phân tích.

Bà nhấn mạnh, số lượng và chất lượng giảng viên cũng là một yếu tố để quyết định chỉ tiêu tuyển sinh: “Cho dù kết quả khảo sát của năm trước chứng minh đó là một trường tốt, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, cũng không thể tăng đột ngột chỉ tiêu tuyển sinh, gây quá tải, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.

Nếu một giảng viên phải hướng dẫn số lượng sinh viên gấp 5, gấp 10 lần so với trước đó, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Cho dù tỷ lệ sinh viên có việc làm là 100%, mà giảng viên không tăng thì cũng không thể tăng chỉ tiêu được, giảng viên không đảm đương được hết. Một yếu tố nữa là cơ sở vật chất cũng phải đáp ứng tương đương”.