Thế giới

Chi tiêu quân sự toàn cầu lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 2.000 tỷ USD

Nằm trong top 5, Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên thành 65,9 tỷ USD năm 2021, vào thời điểm nước này đang xây dựng lực lượng dọc biên giới với Ukraine.

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại và đã vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD vào năm 2021, theo một cuộc khảo sát quốc tế vừa được công bố.

Tổng chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 0,7% tính theo giá trị thực vào năm 2021, đạt 2.113 tỷ USD, theo dữ liệu mới về chi tiêu quân sự toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 25/4.

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức kỷ lục

Chi tiêu quân sự thế giới tiếp tục tăng vào năm 2021 – năm thứ 2 đại dịch Covid-19, đạt mức cao nhất mọi thời đại với hơn 2.100 tỷ USD. Đây là năm thứ 7 liên tiếp chi tiêu toàn cầu cho lĩnh vực này tăng lên.

"Ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chi tiêu quân sự thế giới vẫn đạt mức kỷ lục," Tiến sĩ Diego Lopes da Silva, Nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI cho biết. "Đã có sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng theo kỳ hạn thực do lạm phát. Tuy nhiên, về danh nghĩa, chi tiêu quân sự đã tăng 6,1%".

Nhờ đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021, gánh nặng quân sự toàn cầu, nghĩa là chi tiêu quân sự thế giới tính theo tỉ trọng GDP thế giới, đã giảm 0,1 điểm phần trăm, từ 2,3% năm 2020 xuống 2,2% năm 2021.

Chi tiêu quân sự toàn cầu, tính theo khu vực (Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông). Nguồn: SIPRI

Mỹ tập trung vào R&D trong lĩnh vực quân sự

Chi tiêu quân sự của Mỹ lên tới 801 tỷ USD vào năm 2021, giảm 1,4% so với năm 2020. Gánh nặng quân sự của Mỹ đã giảm nhẹ từ 3,7% GDP năm 2020 xuống 3,5% vào năm 2021.

Tài trợ của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển quân sự (R&D) đã tăng 24% trong giai đoạn 2012-2021, trong khi kinh phí mua sắm vũ khí giảm 6,4% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, chi tiêu của Mỹ cho cả 2 hoạt động đều giảm. Tuy nhiên, mức giảm trong chi tiêu cho R&D (giảm 1,2%) nhỏ hơn mức giảm trong chi tiêu mua sắm vũ khí (giảm 5,4%).

"Sự gia tăng chi tiêu cho R&D trong giai đoạn 2012-2021 cho thấy Mỹ đang tập trung nhiều hơn vào các công nghệ thế hệ tiếp theo", Alexandra Marksteiner, nhà nghiên cứu của Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI cho biết. "Chính phủ Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lợi thế công nghệ của quân đội Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược".

Nga tăng ngân sách quân sự trước xung đột

Nga đã tăng chi tiêu quân sự thêm 2,9% vào năm 2021, lên 65,9 tỷ USD, vào thời điểm nước này đang xây dựng lực lượng dọc biên giới với Ukraine. Đây là năm tăng trưởng thứ ba liên tiếp, và chi tiêu quân sự của Nga đạt 4,1% GDP vào năm 2021.

"Doanh thu cao từ dầu và khí đốt đã giúp Nga tăng chi tiêu quân sự vào năm 2021. Trước đó, trong giai đoạn 2016-2019, chi tiêu quân sự của Nga giảm trong bối cảnh giá năng lượng thấp kết hợp với các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014", Lucie Béraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI cho biết.

Nga hôm 20/4/2022 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat vào thời điểm căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang mạnh mẽ về vấn đề Ukraine. Ảnh: India Defense Update

Hạng mục ngân sách quốc phòng, chiếm khoảng 3/4 tổng chi tiêu quân sự của Nga và bao gồm tài trợ cho chi phí hoạt động cũng như mua sắm vũ khí, đã được sửa đổi theo hướng tăng trong năm 2021. Con số cuối cùng là 48,4 tỷ USD, cao hơn 14% so với ngân sách được lập vào cuối năm 2020.

Song song với đó, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 72% kể từ sự kiện Crimea vào năm 2014, khi nước này tăng cường khả năng phòng thủ trước Nga.

Minh Đức (Theo SIPRI website, Anadolu Agency)