Giáo dục

Thí sinh "vượt ải" tư duy vào đại học Bách khoa Hà Nội như thế nào?

Năm 2021, trường đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 7.420 chỉ tiêu, kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức tại 3 tỉnh thành vào ngày 15/7.

Nhiều phương thức xét tuyển

Cụ thể, ngày 31/3, trường đại học Bách khoa Hà Nội chính thức công bố thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021. Theo đó, nhà trường đưa ra các thông tin hướng dẫn chi tiết về phương thức tuyển sinh; các mốc thời gian cần lưu ý; các ngành/chương trình đào tạo, mã xét tuyển và chỉ tiêu dự kiến; mã tổ hợp xét tuyển; thông tin về kỳ thi đánh giá tư duy.

Đáng chú ý, năm 2021, trường đại học Bách khoa có 5 chương trình đào tạo mới, thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội), tuyển sinh năm 2021 của trường được giữ ổn định, thuận lợi nhất với thí sinh. Việc đa dạng các phương thức xét tuyển không chỉ giúp trường có nguồn tuyển phong phú mà còn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường đại học Bách khoa Hà Nội là 7.420, gồm các phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển theo điểm thi (chiếm 80 - 90% tổng chỉ tiêu). Trong đó, dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 (50-60%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, B00, D01, D07, D26, D28 và D29. Đồng thời, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (30-40%) cho các ngành/chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển BK1, BK2 và BK3.

Bên cạnh đó, xét tuyển tài năng (10-20% tổng chỉ tiêu), gồm các phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level và IELTS và xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức như thế nào?

Kỳ thi được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (theo dự kiến, tổ chức vào ngày 15/7/2021) tại 03 địa điểm Hà Nội (trường đại học Bách khoa Hà Nội), Nghệ An (tại trường đại học Vinh) và Hải Phòng (tại trường đại học Hàng hải)

Nội dung bài thi tổ hợp (thời gian 180 phút) gồm 2 phần. Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm, nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, đánh giá kỹ năng đọc nhanh và hiểu đúng, năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản), thời gian dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút, chọn 1 trong 3 phần (Tự chọn 1: Lý - Hóa đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành trừ ngành Ngôn ngữ Anh; Tự chọn 2: Hóa - Sinh đối với thí sinh đăng ký xét tuyển nhóm ngành khối Hóa - Thực phẩm - Sinh học - Môi trường; Tự chọn 3: Tiếng Anh đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành Kinh tế quản lý, chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo quốc tế.

Thí sinh trong kỳ thi đánh giá tư duy của trường đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020.

Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.

Thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy phải vượt qua vòng sơ tuyển: Xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của tổng các môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán - Lý - Hóa; Toán - Hóa - Sinh; Toán - Anh, quy về thang điểm 30. Đối với thí sinh thí sinh tốt nghiệp năm 2021, xét theo điểm trung bình của 5 học kỳ (lớp 12 chỉ tính học kỳ 1). Xét theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến khi đạt số lượng sơ tuyển. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 10.000-12.000.

Từ ngày 20/3-18/4/2021, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tài năng trên hệ thống đăng ký tuyển sinh.

Từ 19/4-31/5/2021, trường tổ chức phỏng vấn thí sinh xét tuyển theo hồ sơ năng lực (tại trường hoặc online)

Từ 20/4-18/5/2021, trường mở đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá tư duy trên hệ thống đăng ký tuyển sinh.

Trước ngày 20/6/2021, trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thông báo kết quả xét tuyển tài năng.

 

 Thủy Tiên