Chỉ tại “trời tối”

Lợi dụng trời tối, các đối tượng khoan lỗ trên thân cây thông 3 lá rồi đổ thuốc trừ sâu vào…

Đen: Phải trị tận nơi bọn “thông tặc”. Không thể để chúng hủy diệt đồi thông như vậy.

Đá: Ai là tặc? Thông ở đâu bị phá hoại? Ông đừng nói là ở Lâm Đồng đấy nhé.

Đen: Đúng cái nơi ông lo lắng mới chết chứ.

Đá: Chắc bọn trẻ trâu nghịch ngợm, ai đời đi phá cây được xem là biểu tượng của Lâm Đồng.

Đen: Lợi dụng trời tối, các đối tượng khoan lỗ trên thân cây thông 3 lá rồi đổ thuốc trừ sâu vào…

Đá: Bộ phận quản lý, bảo vệ rừng đi đâu?

Đen: Sự việc xảy ra tại thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, thuộc tiểu khu 274…

Đá: Tôi hỏi đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý kia.

Đen: Lâm phần do ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban chịu trách nhiệm quản lý. Rõ như ban ngày.

Đá: Giờ xảy ra sự việc, có ai lên tiếng chưa?

Đen: Hậu quả khiến hàng trăm cây thông dần héo lá và… chờ chết.

Đá: Nhiều thế sao ban quản lý rừng không biết? Nghiệp vụ kém hay tắc trách?

Đen: Người ta cho rằng, đối tượng thực hiện phá rừng bằng cách lợi dụng trời tối…

Đá: Biết rồi. Nhưng tối thì cũng phải tuần tra, nắm bắt tình hình chứ.

Đen: Chúng còn dùng các loại khoan giảm âm để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng.

Đá: Gần nghìn cây thông bị đục, đổ thuốc sâu. Có phải ngày một ngày hai là xong đâu.

Đen: Đại diện UBND xã Gia Lâm nói, ngay khi phát hiện sự việc, đã cùng các đơn vị liên quan cứu cây.

Đá: Bằng cách nào?

Đen: Dùng dầu nhớt đổ vào lỗ khoan để cứu thông.

Đá: Chỉ giải quyết phần ngọn.

Đen: Biện pháp tình thế. Vụ việc đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Đá: Phải giải quyết căn nguyên. Nâng cao trách nhiệm, coi rừng cây như tài sản nhà mình.

Đen: Gốc thì đang bị đục lỗ, đổ thuốc độc. Cây bị hủy diệt, khách du lịch ngẩn ngơ tiếc.

Đá: Phá cây như vậy cũng là tội ác. Phải có chế tài mạnh, trừng phạt đích đáng.

Đen: Và người quản lý để xảy ra sự cố trong lâm phần của mình cũng không thể “rút kinh nghiệm”.

Đ.Đ