Góc nhìn luật gia

Chi 50.000 đồng mua giấy xét nghiệm Covid-19 giả có thể bị phạt tù

Bỏ ra 50.000 đồng mua giấy xét nghiệm Covid-19 giả để được “thông chốt”, tài xế không lường trước hậu quả có thể phải đối mặt với án phạt nặng.

Trước tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn đang bùng phát và diễn biến phức tạp, thay vì chấp hành nghiêm các khuyến cáo của bộ Y tế và chỉ thị của cơ quan chức năng, chung tay, đồng lòng đẩy lùi đại dịch thì một số cá nhân vẫn bất chấp sự an toàn của bản thân và của cả xã hội, sẵn sàng khai báo gian dối, thậm chí bỏ một chút chi phí để làm giả, mua bán giấy xét nghiệm Covid-19 giả,…

Dẫn chứng là, vào tối 27/6, để qua được chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cầu Bạch Đằng, trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đối tượng Vũ Văn Phúc (47 tuổi, trú tại thôn Hà Xá, xã Cẩm Đoài, H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đã sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả để qua mặt lực lượng chức năng.

Phát hiện giấy tờ trên có dấu hiệu làm giả, công an TX.Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tạm giữ tài xế Vũ Văn Phúc để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan công an, Phúc khai nhận, đã mua giấy xét nghiệm giả trên với giả 50.000 đồng, thông qua một người quen tại H.Yên Mỹ (Hưng Yên).

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và nhạy cảm như hiện nay, những những hành vi như mua giấy xét nghiệm Covid-19 giả là hết sức nguy hiểm, cần thiết phải bị ngăn chặn kịp thời và áp dụng chế tài nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

“Cho dù là hành vi làm giả giấy xét nghiệm nhằm qua mặt lực lượng chức năng để được "thông chốt" hay trêu đùa thì cũng đều tiềm ẩn những nguy cơ xấu cho xã hội luận, do vậy, cần thiết phải bị xem xét, xử lý”, luật sư Tiệp nói.

Chiếu theo quy định của Bộ luật hình sự, đối với người có hành vi sử dụng giấy tờ giả thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt là có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc bị phạt tù đến 07 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm.

“Đối với trường hợp chỉ ghép chỉnh sửa trên bản ảnh hoặc hành vi vi phạm chưa tới mức độ truy cứu hình sự thì người vi phạm có thể xem xét xử phạt hành chính về hành vi này”, luật sư Tiệp nói.

Về hành vi khai báo gian dối, ThS. Luật gia Trần Quang Hòa (Hòa Bình) cho biết hướng xử lý như sau: Tùy vào mức độ, hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi này.

Luật gia Hòa cho biết: Ở mức độ xử phạt hành chính, người khai báo thông tin gian dối liên quan dịch bệnh sẽ bị phạt 10-20 triệu theo Điều 7 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.

Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, theo Điều 240 BLHS, với mức phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.

Liên quan đến vấn đề này, TAND Tối cao cũng đã ban hành Công văn số 45 hướng dẫn cách xác định tội danh liên quan việc phòng chống dịch theo quy định của Bộ luật hình sự, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể áp dụng để xem xét xử lý hình sự với một số trường hợp vi phạm.

Khai báo y tế đầy đủ giúp việc xác minh, khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng được thuận lợi.

Theo đó, các vi phạm phổ biến được ghi nhận trong thời gian qua gồm không tuân thủ quy định về cách ly, trốn tránh khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối các thông tin dịch tễ. Cơ quan chức năng đã phạt tiền hàng trăm trường hợp, khởi tố vụ một số vụ án hình sự.

Khi phát hiện vi phạm, nhà chức trách sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).