Giáo dục

Chi 250 tỷ đồng/năm chiết khấu SGK, bộ GD&ĐT kêu còn thấp

Trong năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam đã chi 250 tỷ đồng để chiết khấu (chi phí phát hành) SGK. Tuy nhiên, theo bộ GD&ĐT đây vẫn là con số thấp so với mặt bằng chung.

Cho học sinh viết vào SGK là học thế giới

Trong báo cáo gửi Chính phủ về xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2012-2017, đại diện bộ GD&ĐT cho biết, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003. Các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.

Mặc dù đã chi 250 tỷ đồng để chiết khấu (chi phí phát hành) SGK, tuy nhiên theo bộ GD&ĐT đây vẫn là con số thấp.

“Để quán triệt việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hạn chế viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, bộ GD&ĐT đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%”, báo cáo của bộ GD&ĐT nêu.

Liên quan đến việc sử dụng sách tham khảo, báo cáo của bộ GD&ĐT cho thấy, đã có Thông tư quy định "Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, SGK trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học; giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào".

Mức chiết khấu phát hành SGK còn thấp

Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc chiết khấu phát hành SGK, theo báo cáo của Nhà xuất bản Việt Nam, là thông qua hệ thống các công ty sách-thiết bị trường học, đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra NXB Giáo dục Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

“SGK cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng”, phía bộ GD&ĐT giải thích.

Cụ thể, các mức chiết khấu: Chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các công ty Sách-thiết bị trường học, các đối tác phát hành là 20% (đối tác Chiến lược) và 18% (đối tác Phát hành). Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lí cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lí, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí... thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Clip: Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ chấm dứt độc quyền in SGK

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.

Để giảm chi phí vận chuyển, NXB Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị Công ty Sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng SGK đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%.

Mặc dù trong năm 2017 đã chi tới 250 tỷ để chiết khấu, nhưng theo bộ GD&ĐT đây vẫn là con số thấp: “Mức chiết khấu (phí phát hành) đối với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% - 40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30 - 40% đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành SGK càng nhỏ nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành SGK do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng”.

Bỏ độc quyền in SGK: Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, bộ Thông tin & Truyền thông đã cấp phép cho 5 nhà xuất bản tham gia vào việc in SGK. Việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK sắp tới cũng được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.