Thế giới

Chỉ 10% người địa phương được làm việc tại nhà máy Huawei tại Nam Phi

Theo Bộ Lao động Nam Phi, gần 90% lực lượng lao động trong các nhà máy của Huawei tại nước này là người dân nước ngoài.

Bộ Lao động Nam Phi và công ty chi nhánh của Huawei Technologies Co Ltd (HWT.UL) tại nước này mới đây đã đạt được thỏa thuận đàm phán giải quyết ngoài tòa án về các quy tắc tuyển dụng lao động địa phương.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, công ty chi nhánh tại Nam Phi của Huawei Technologies Co Ltd (HWT.UL) - Tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc)- đã bị các nhà chức trách Nam Phi đưa ra tòa. Nguyên nhân do công ty không đáp ứng yêu cầu 60% công nhân là người địa phương. Họ yêu cầu khoản tiền phạt 1,5 triệu rand (99.547 USD), tương đương 2% doanh thu hàng năm của Huawei Technologies Nam Phi vì các vi phạm quy tắc bị cáo buộc.

Bộ Lao động Nam Phi cũng đã yêu cầu tòa án buộc Huawei phải soạn thảo và thực hiện kế hoạch tuyển dụng sửa đổi để tăng lượng công nhân lao động địa phương trong nhà máy của hãng. Theo Bộ này, gần 90% lực lượng lao động của Huawei Technologies Nam Phi là người dân nước ngoài.

Logo Huawei Technologies Co được chiếu sáng trong Triển lãm di động toàn cầu MWC Barcelona tại Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 28/2/2022. Ảnh : Bloomberg.

Hai bên hiện tại đã đạt được thỏa thuận về một giải pháp ngoài tòa án. Theo đó, Bộ Lao động đã chấp nhận kế hoạch tuyển dụng của Huawei là sẽ nâng tỷ lệ số công nhân là người Nam Phi trong các nhà máy của hãng đặt tại quốc gia này lên mức 50% trong vòng ba năm tới, đặc biệt từ các nhóm được chỉ định theo Đạo luật Công bằng Việc làm Nam Phi.

Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về kỹ năng kỹ thuật số của lao động Nam Phi, hai bên đã đồng ý hợp tác tổ chức các khóa học về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho những người thất nghiệp.

Một “Chương trình Phát triển” sẽ được thực hiện trong ba năm theo kế hoạch công bằng việc làm, thu hút ứng viên từ các nhóm được chỉ định đặc biệt dành cho phụ nữ và lao động khu vực nông thôn.

Cố vấn pháp lý Bộ Lao động Nam Phi Advocate Fikiswa Bede nhận định điều này sẽ "thúc đẩy mối quan hệ đối tác công và tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ năng, đồng thời giải quyết vấn đề thất nghiệp bằng cách tạo ra việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông".

Nam Phi đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 35%, mức cao nhất trong danh sách gồm 82 quốc gia do hãng tin Bloomberg ghi nhận. Nền kinh tế nước này đang trải qua chu kỳ đi xuống dài nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Theo số liệu từ chính phủ và Liên hợp quốc, đất nước Nam Phi có khoảng 60 triệu dân, là nơi sinh sống của gần 3 triệu người di cư.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Nasdaq)