Đa chiều

Chết trẻ thì có gì hay?

Cái chết, tự bản thân nó, không đặt ra vấn đề “hay” hay “dở”. Nó là lẽ tự nhiên trong cái dòng sinh diệt lạnh lùng miên viễn của vũ trụ. Có sinh ắt có diệt.

 Còn trong cõi người, ở nhiều nền văn hóa khác nhau, người ta cũng không coi cái chết là điều gì ghê gớm: chết, chẳng qua là sự sống được tiếp tục theo một cách khác (lên thiên đàng, xuống địa ngục, hay đầu thai trong kiếp người hoặc kiếp thú..., cũng thế cả thôi).

Có những người chỉ mong được sống mãi, trường tồn cùng nhật nguyệt. Trên thực tế thì tự cổ chí kim cũng không ít bậc hoàng đế, đạo sư, nhà giả kim thuật hay khoa học gia đã nỗ lực kinh thiên trong việc kiếm tìm những phương cách để có thể sống mãi. Nhưng tôi cho rằng đó là việc làm đại ngu ngốc. Bởi vì, nếu không có cái chết làm đối trọng, một kẻ rình rập kè kè đầy khủng bố có thể nhảy xổ ra bất cứ lúc nào, một kẻ đón đường máu lạnh mà ta rốt cuộc cũng không sao thoát được, thì cái sống cũng trở nên mất sạch mọi ý nghĩa. Tìm thuốc trường sinh để làm gì?

Nhưng đó là cái chết nói chung. Còn chết trẻ?

Dân gian Việt Nam thường có câu: “Chết trẻ, khỏe ma”, tuồng như ca ngợi cái ích của sự chết trẻ. Còn trong kịch Shakespeare, chàng hoàng tử giả điên Hamlet, khi ấy còn trẻ, đã buông một câu bất hủ: “Chết hôm nay thì mai đỡ phải chết”, nghĩa là khỏi phải chết già nếu đã chết khi còn trẻ. Chết trẻ hay chết già thì cũng là chết và ai thì cũng chỉ chết duy nhất một lần trong đời mà thôi. (Theo nghĩa này cái chết là thứ tạo nên một trạng thái dân chủ chủ hóa tuyệt đối, xóa nhòa mọi phân cách giai cấp hay giới tính). Thế nhưng tuyệt đối không thể đánh đồng chết trẻ với chết già. Chết trẻ chẳng có gì là hay cả.

Bởi vì tuổi trẻ là tuổi mà sự sống đang độ sung mãn nhất, cái sống hiển hiện một cách rực rỡ nhất, tuyệt vời nhất, khác hẳn tuổi già với đặc trưng là đau yếu, bệnh tật, suy kiệt. Không ngẫu nhiên trong tuyệt tác “Mộng uống rượu với Tản Đà” (1938), thi sỹ Trần Huyền Trân (khi ấy 25 tuổi) nói với thi bá Tản Đà (tuổi đã 50): “Tôi là nắng, cụ là sương/ Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều”.

Tuổi trẻ là tuổi hứa hẹn người ta tiếp tục sống với tràn đầy sinh lực và phấn khích, nếu không làm nên công trạng to lớn gì thì cũng phải là sống để hưởng trọn những phúc lạc đời người.

Cho nên, chết trẻ là một sự phi lý. Và càng là những người chết trẻ có tài năng về một mặt nào đó: chính trị, quân sự, văn chương, nghệ thuật..., thì càng khiến người đời cảm thấy nuối tiếc, xót xa. Đôi khi nuối tiếc xót xa chỉ vì những người chết trẻ ấy đẹp, là những mỹ nữ hoặc mỹ nam tử. Cái thuyết “tạo vật đố toàn”, ông trời ganh ghét trước sự toàn vẹn, có thể từ đây mà ra chăng?

Nói chết trẻ là một sự phi lý, nhưng ngẫm ra cái gì cũng có lý của nó hết. Phim Mỹ “Triệu kiểu chết miền Viễn Tây” (A milion ways to die in the West) đã cho khán giả thấy người ta, trong đó có nhiều người trẻ, có thể chết vì rất nhiều lý do “ấm ớ”, cứ như phải chịu những trò đùa tai ác của số phận.

Trên thực tế, Trái Đất vốn chẳng phải nơi an toàn để con người tồn tại. Động đất, núi lửa, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, chiến tranh, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, say rượu ẩu đả, đau khổ vì tình..., có cả triệu lý do khiến nhiều người trẻ phải chấm dứt mạng sống của mình. Thế nhưng vẫn có những khác biệt nhất định trong cách người sống nhìn về những người chết trẻ.

Những chiến sĩ trẻ đã ngã xuống vì lý tưởng và sự trường tồn của dân tộc, đất nước.

Trong các nghĩa trang liệt sỹ bạt ngàn mộ của những người lính trẻ tử trận, người ta thương xót và khâm phục họ, những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình, cầm súng chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng chính nghĩa, vì đất nước, vì nhân dân.

Nhưng trước phần mộ của những người trẻ “chết vì nghệ thuật” thì sao? Khá nhiều trường hợp cho ta biết: nhân danh việc “săn bắt con nghệ thuật”, họ đã thức trắng nhiều đêm, đốt thuốc đến cháy phổi, uống rượu đến nát gan, và đó là cách nhanh nhất để “Đưa em vào cõi chết” (nhạc Phạm Duy), đổi lại được vài lời xót thương cho một/ những kiếp tài hoa bạc mệnh. Còn những kẻ ẩm ương chết vì đau tình, thì thôi, không bàn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.