Cuộc sống số

“Chèn ép” người dùng, Facebook phải nộp phạt 34.000 USD

Một tòa án tại Pháp ngày 10/4 đã yêu cầu mạng xã hội Facebook nộp 30.000 euro (34.000 USD) tiền phạt vì có những điều khoản sử dụng mang tính "chèn ép", buộc người dùng phải chấp nhận để có thể truy cập tài khoản mạng xã hội của mình.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, phán quyết được đưa ra sau khi tòa xem xét đơn kiện của một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Pháp có tên UFC-Que Choisir nộp từ năm 2014.

Đơn kiện tố cáo 430 điều khoản trong mục thỏa thuận người dùng của Facebook mang tính "chèn ép", bao gồm các điều khoản như lưu giữ và bán dữ liệu người dùng một cách mập mờ, thậm chí sau khi tài khoản đã đóng, và thay đổi các điều khoản sử dụng mà không thông báo tới người dùng.

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Pháp (DGCCRF) cho biết cơ quan này và Ủy ban châu Âu (EC) đã buộc Facebook phải thỏa thuận từ nay tới cuối tháng 6 hoàn tất điều chỉnh các điều khoản sử dụng.

DGCCRF cho biết các điều chỉnh sẽ bao gồm thông báo rõ ràng về việc Facebook thu lợi từ việc cho phép phát quảng cáo đặc thù dựa trên thông tin tiểu sử người dùng.

Theo Zing, hồi năm 2018, văn phòng Ủy viên thông tin (ICO) của Anh đã đưa ra quyết định chính thức phạt Facebook nửa triệu bảng vì vụ rò rỉ thông tin người dùng liên quan đến Cambridge Analytica.

Theo Telegraph, trải qua nhiều cuộc điều tra, ICO chính thức đưa ra mức phạt đối với scandal rò rỉ thông tin của Facebook hôm thứ tư này là 500.000 bảng. Tại Anh, ICO cho biết có khoảng ít nhất một triệu người dùng bị ảnh hưởng. Thông tin về mức phạt vốn đã được dự đoán từ nhiều tháng trước.

Hành vi thu nhập thông tin người dùng của Cambridge Analytica đã bắt đầu từ rất lâu. Công ty tạm dừng mọi hoạt động vào năm 2015 sau khi bị tờ Guardian phanh phui.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Facebook và Cambridge Analytica lại gây ra một trong những vụ bê bối dữ liệu người dùng lớn nhất từ trước đến nay. Cambridge Analytica được Facebook cấp quyền sử dụng thông tin người dùng nhưng lại dùng sai mục đích. Những số liệu này được dùng để nhắm đối tượng các quảng cáo chính trị, tác động mạnh mẽ lên kết quả cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.

Đào Vũ (Tổng hợp)