Sự kiện

Chen chân, ăn mặc phản cảm lễ chùa đầu năm: “Phật tại tâm, chân tâm là Phật”

Văn hóa đi lễ chùa vào những ngày đầu xuân để cầu một năm mới bình an, như ý là một nét đẹp trong đời sống tâm linh từ xưa đến nay của người dân Việt. Tuy nhiên, ngày nay những hình ảnh biển người chen lấn, xô đẩy nơi cửa Phật đã làm cho nét đẹp vốn có ấy đang dần bị phai nhạt.

Ngay từ sau giây phút giao thừa, đền chùa mọi nơi không khi nào vắng khách. Và hình ảnh biển người chen chân, nô nức đi đền chùa đã không còn xa lạ.

Vào dịp Tết Kỷ Hợi này, có thể nhận thấy nhiều ngôi chùa thậm chí tuy chưa được hoàn thiện, vật liệu xây dựng đang ngổn ngang mà cả nghìn người dân vẫn kéo nhau đến du xuân, thăm viếng. Điều này, làm cho chúng ta phải suy ngẫm “Có phải nét đẹp tâm linh đi lễ chùa đầu năm đang dần bị mất đi, người dân đang đi chùa như một phong trào?”.

Đi chùa như một phong trào

Chia sẻ quan điểm với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia Phong thủy Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ: “Tôi cho rằng cần uốn nắn lại văn hóa đi lễ chùa, bởi hiện nay tôi thấy mọi người thường hay a dua, hay chạy theo hiệu ứng đám đông. Một thực trạng đáng buồn là nhiều người đi chùa nhưng lại không hiểu về sự tích ngôi chùa đó, về sự linh thiêng nơi mình đang đến, về tôn tượng những vị phật mà mình chắp tay cúi lạy…

Tôi muốn gửi đến mọi người một thông điệp đó là “Phật tại tâm, chân tâm là phật”. Phật tại chính trong lòng mình, không phải đi đâu cả, không phải cứ lên chùa hô to tôi niệm phật mới là phật đâu, mà chính con người ta phải hướng đến cái tâm của mình, cái tâm thiện, cái tâm trong sạch thì đấy mới là phật. Còn cứ lên chùa mà cái tâm không sáng thì chẳng phật nào chứng giám cho cả".

GS. Trần Lâm Biền cho rằng chùa làm to lớn chỉ là sự khoe mẽ.

Dưới góc độ Văn hóa, GS. Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng đạo phật đưa ra quan điểm: “Các nhà chùa vẫn thường răn dạy "Hảo tự, ố tăng", “hảo” là tốt, “tự” là chùa, “ố” trong từ khả ố, “tăng” là nhà sư. Ngôi chùa làm to lớn chỉ là sự khoe mẽ, càng to bao nhiêu càng gắn với đời bấy nhiêu, càng xa với cái đích của những người tu phật bấy nhiêu.

Và nhiều người dân đến chùa nhưng lại không hiểu về đạo phật. Đi lên chùa lễ phật mà chẳng hiểu về tâm linh, họ cũng không biết ngôi chùa mình đang đến thờ ai, nguồn gốc lịch sử thế nào…”.

Cười to, nói lớn, ăn mặc phản cảm ở chốn linh thiêng

Cũng lạm bàn về đi lễ chùa đầu năm, có thể thấy ngay trong sân chùa, thường có một tấm biển: “Đề nghị không mặc quần, váy ngắn vào chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm”… nhưng vẫn có không ít các bạn trẻ mặc áo hai dây, quần đùi, váy zip… đến nơi cửa phật. Thậm chí, nhiều người còn vô tư chụp ảnh đăng lên mạng xã hội rồi bị dư luận lên án gay gắt.

Liên quan đến câu chuyện trên, chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết: “Lên chùa là phải đoan trang, nghiêm chỉnh, tâm linh các ngài mới chứng giám. Lên chùa mà mặc váy zip là không được, đẹp thì đẹp với nơi khác, chứ lên chùa là phải mặc đoan trang”.

Đi lễ chùa phải ăn mặc, nói năng lịch sự, đoan trang (Ảnh minh họa).

Ăn uống nơi cửa chùa rồi vứt rác bừa bãi hay hò hét, gọi nhau và rôm rả bàn chuyện ầm ĩ cũng không phải là hình ảnh hiếm thấy. Người người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ lớn trên tay rồi thi nhau khấn vái lấn át tiếng người bên cạnh vì chỉ sợ phật không biết mặt, biết tên.

Từ những việc làm thiếu ý thức này đã vô hình chung làm méo mó, làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi cửa phật.

Theo các chuyên gia, sự lệch lạc trong chuẩn mực về văn hóa trước nơi đền chùa xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Một phần, do sự thiếu hiểu biết của du khách về những chuẩn mực văn hóa nơi cửa phật. Một phần, do sự vô ý thức cố tình vi phạm của nhiều người, họ coi đền chùa chỉ là nơi đến vãn cảnh mà không hề nhận thức được sự tôn nghiêm ở nơi đây.

Thiết nghĩ, bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự thanh thản cho bản thân. Vì vậy, khi bước chân vào chốn thanh tịnh, linh thiêng này, con người phải xuất phát từ sự thành tâm, từ cái tâm thanh tịnh, trong sáng. Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ phật, chính là góp phần gìn giữ những nét đẹp vốn có trong đời sống tâm linh.

Nhật Lệ