Văn hoá

Chế biến 100 món ăn từ tôm và muối Bạc Liêu để xác lập kỷ lục Việt Nam

Tỉnh Bạc Liêu sẽ phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam chế biến trên 100 món ăn từ nguyên liệu tôm và muối Bạc Liêu để xác lập kỷ lục Việt Nam.

Quảng bá hình ảnh về “đất và người” Bạc Liêu

Ngày 4/8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp báo Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với tổng số khách mời dự kiến khoảng 800 đại biểu của Trung ương, khu vực và các tổ chức quốc tế.

Ngày hội diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 29/11/2022 gồm các hoạt động như: Liên hoan Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu năm 2022 (từ ngày 27/11 đến ngày 29/11/2022 tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu); Liên hoan Nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer tỉnh Bạc Liêu năm 2022 (từ ngày 27 đến ngày 29/11 tại Chùa Xiêm Cán Bạc Liêu).

Tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền” gồm: Dân ca quan họ; Ca trù; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghệ thuật Bài chòi; Hát Chèo; Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi họp báo ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.

Ngày hội tôm và muối Bạc Liêu được bắt đầu tổ chức từ ngày 28/11 gồm các sự kiện chính như: Tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu” tại Hội trường Nhà khách Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Tổ chức hội thi ẩm thực với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu” (phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam chế biến trên 100 món ăn từ nguyên liệu tôm và muối Bạc Liêu để xác lập kỷ lục Việt Nam) tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1/1/1997 - 1/1/2022).

“Thông qua các hoạt động của ngày hội nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về “đất và người” Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và văn hóa, du lịch tỉnh nhà nói riêng”, ông Duy chia sẻ.

Bạc Liêu – Hội tụ bản sắc văn hóa Phương Nam

Tại buổi họp báo, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng đã công bố logo du lịch Bạc Liêu với thiết kế 3 hình ảnh chủ đạo xung quanh chữ “Bạc Liêu” gồm: Hình ảnh cây Đờn kìm, hình ảnh 3 chiếc nón lá và hình ảnh sóng rợn màu xanh được đặt dưới khẩu hiệu du lịch Bạc Liêu.

Cụ thể, hình ảnh cây Đờn kìm cách điệu là để khẳng định rằng Bạc Liêu là một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận; đồng thời gợi nhớ hình ảnh về nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.

Quang cảnh buổi họp báo.

Hình ảnh 3 chiếc nón lá cách điệu với 3 màu sắc được thiết kế đan xen vào nhau được bao trùm bởi cây Đờn kìm cách điệu và cũng là hình ảnh đại diện cho tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh – Hoa - Khmer.

Bên cạnh đó, hình ảnh sóng gợn màu xanh nhằm liên tưởng đến hình ảnh miền sông nước, một đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, trong đó có Bạc Liêu với hệ thống sông ngòi chằng chịt phù hợp để phát triển du lịch sinh thái – nông nghiệp – nông thôn.

Với ý tưởng khẩu hiệu “Bạc Liêu – Hội tụ bản sắc văn hóa Phương Nam”, Bạc Liêu nhằm định hướng phát triển tỉnh này trở thành một phương Nam thu nhỏ với sự giao thoa và đa bản sắc văn hóa; qua đó tạo sự thu hút cho du khách khi tìm hiểu về Bạc Liêu và tạo cảm giác mong muốn được đến để trải nghiệm.