Môi trường

Cháy nhà máy Rạng Đông: Người dân làm đơn kêu cứu, kiến nghị di dời nhà máy

Bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, hơn 20 hộ dân sống quanh khu vực này đã làm đơn kêu cứu, yêu cầu phía nhà máy đối thoại trực tiếp và có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thậm chí, kiến nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư.

Video:

Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4/9, đại diện bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết qủa quan trắc môi trường xung quanh khu vực xảy ra đám cháy ở Công ty Cổ phần Phích nước Bóng đèn Rạng Đông hôm 28/8 vừa qua. Theo đó, kết quả đã vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người, thuỷ ngân trong không khí ở khu vực cháy nhà máy Rạng Đông vượt ngưỡng khuyến cáo 10 - 30 lần.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định nếu mức thủy ngân vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần mà không được xử lý kịp thời và sạch sẽ có nguy cơ gây độc trường diễn đến sức khỏe con người.

“Môi trường đã bị ô nhiễm thủy ngân. Nếu cứ duy trì lượng thủy ngân trong môi trường thì cư dân khu vực có nguy cơ sẽ bị nhiễm thủy ngân”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Sau vụ cháy, thuỷ ngân trong không khí ở khu vực cháy nhà máy Rạng Đông vượt ngưỡng khuyến cáo 10 - 30 lần.

Khu vực quanh nhà máy Rạng Đông được dùng bạt che phủ, cách ly hiện trường kho cháy để giảm mùi đến các hộ dân xung quanh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, cần phải tách bạch hai vấn đề là thủy ngân trong môi trường và thủy ngân trong cơ thể con người. Ở thời điểm hiện tại, sức khỏe con người không phụ thuộc vào lượng thủy ngân đang nhiễm ở môi trường, mà phụ thuộc vào lượng thủy ngân đã nhiễm vào cơ thể. Thủy ngân xâm nhiễm vào cơ thể con người diễn ra ở 4 cấp độ là: Nhiễm độc lượng nhỏ, cấp tính mức vừa, cấp tính trầm trọng và mãn tính.

“Nhiễm độc lượng nhỏ thì trong quá trình trao đổi chất, hoạt động, chất độc trong cơ thể sẽ tự tiêu tan. Nhiễm độc ở cấp độ cấp tính mức vừa thì cơ thể con người xuất hiện các hiện tượng như đau bụng, đau đầu, có lượng thủy ngân trong máu. Cơ thể bị nhiễm độc ở cấp độ cấp tính mức trầm trọng thì sẽ tử vong”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Sáng 5/9, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ cháy đã làm đơn kêu cứu, yêu cầu phía nhà máy đối thoại trực tiếp và có biện pháp đảm bảo sức khỏe cho người dân. 

Sáng 5/9, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Sơn, đại diện Ban quản trị Chung cư 54 Hạ Đình cho biết, sáng nay, hơn 20 hộ dân đã đến Công ty Rạng Đông yêu cầu đối thoại, minh bạch thông tin về tình trạng ô nhiễm và có các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

“Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 4/9, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo một số nội dung khiến người dân chúng tôi quan tâm và lo lắng. Trong đó, đơn vị chuyên môn này đã khẳng định vụ cháy Công ty Rạng Đông liên quan đến hóa chất thủy ngân và mức ô nhiễm liên quan đến thủy ngân vượt chuẩn, đặc biệt là khu vực bán kính 200m tính từ hàng rào”, ông Sơn nói.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1967, Hạ Đình, Hà Nội) bày tỏ: “Bây giờ phải đi thuê nhà hết 7tr/ 1 tháng, anh em họ hàng hỗ trợ chứ chẳng thấy nhà máy Rạng Đông hỗ trợ gì. Dân chúng tôi ai cũng sợ, làm việc thì lúc nào cũng đeo khẩu trang. Cửa hàng sửa chữa xe máy vẫn phải mở để kinh doanh, vì nếu bây giờ đóng cửa hàng thì lấy tiền đâu mà chi trả. Người dân chúng tôi cũng đã có kiến nghị về việc di dời nhà máy khỏi khu dân cư đông đúc này”.

Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, vụ cháy khiến gia đình bà phải đi thuê nhà nơi khác, cuộc sống bị đảo lộn.

Còn ông Ngô Văn Lực (SN 1975, Phường Hạ Đình, Hà Nội) cho biết, sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông, ngôi nhà của ông bị thiệt hại hơn trăm triệu đồng, cùng với đó sức khỏe có phần suy giảm.

Ông Lực bày tỏ: “Căn nhà của tôi sát vách khu nhà máy, khi lửa cháy thì bị bén cả vào nhà. Thời gian gần đây, tôi ăn uống thì khó tiêu, ngủ hay bị thức giấc. Bây giờ mùi vẫn cứ ám, rất kinh khủng, tôi không dám vào nhà ngồi, phải để quạt thổi vào nhà”.

“Tôi không thấy phía Công ty Rạng Đông khuyến cáo gì cả, tự bản thân lên mạng đọc thì mới biết không khí bị ô nhiễm, khuyến cáo có 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường. Cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều, bao nhiêu đống vật liệu tôi phải dọn dẹp, nhà cũng bị cháy, đồ đạc cũng bị hỏng, thiệt hại hơn trăm triệu. Chiều nay tôi sẽ về hẳn nhà ở Chương Mỹ, khi nào ổn định thì tôi mới ra”, ông Lực cho hay.

Là một trong những ngôi nhà bị niêm phong vì ảnh hưởng nặng nề sau vụ cháy, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Cương cho biết, hôm nay (5/9), nhà của anh mới được mở cửa để dọn đồ vì bị cơ quan công an niêm phong trước đó.

Toàn bộ căn nhà của anh Cương bị lửa thiêu rụi sau vụ hỏa hoạn.

“Tôi đi làm thuê ở đây, nhưng hôm nay mới được đến thu dẹp đồ vì ngôi nhà trước bị niêm phong. Nhà cửa bị cháy hết, cả 2 tầng đều bị thiêu rụi, từ quần áo đến đồ đạc cái gì cũng bị cháy hết. Sức khỏe bị ảnh hưởng, dân cư sinh sống quanh Nhà máy phải di dời. Chúng tôi muốn được đảm bảo về sức khỏe cũng như được hỗ trợ về thiệt hại ảnh hưởng của vụ cháy”, anh Cương cho hay.

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 4/9, khi được hỏi về giải pháp xử lý, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty Rạng Đông cô lập, phủ bạt khu vực bị cháy, không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Các chất tàn dư cần phải để vào trong container để xử lý.

“Chúng tôi đã kiến nghị TP. Hà Nội phối hợp với bộ Quốc phòng triển khai tẩy độc khu vực bị cháy. Tiếp tục thống kê hàng hóa bị cháy, xác định đúng số lượng thủy ngân có thể phát tán vào môi trường. Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe người dân, cán bộ công ty thường xuyên, theo định kỳ”, ông Nhân nói.

Công ty CP Phích nước Bóng đèn Rạng Đông - nơi trực tiếp sản xuất thừa biết số lượng thủy ngân, sản phẩm chứa thủy ngân, mức độ độc hại từ thủy ngân khi xảy ra vụ cháy. Tuy nhiên, Công ty này đã không đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cấp thiết cho lực lượng PCCC, công nhân viên công ty và người dân quanh khu vực cũng như chính quyền sở tại.

Thay vì đó, trong bản thông báo phát đi sau đó, công ty này tiếp tục khẳng định “các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người”. Đồng thời khẳng định, đã "nghiên cứu, sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016".

Dù thực tế, theo các nhà khoa học, chất Amalgam là chất hỗn hợp với thành phần chính của nó lại là... thủy ngân, chiếm khoảng 50-70%.

 

Thu Huyền - Hữu Thắng