Đời sống

Chạy giỡn ở nhà, bé 3 tuổi bị đũa cắm xuyên mũi, thủng sọ

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM vừa phẫu thuật cứu thành công một trường hợp bệnh nhi bị thủng sàn sọ sau tai nạn nguy hiểm.

Bệnh nhi là một bé trai 3 tuổi, quê Đồng Nai, nhập viện ngày 19/9 trong tình trạng chảy nước trong bên mũi trái.

Khai thác bệnh sử, trước đó hơn 1 tháng, bé cầm đũa chơi và bị ngã, bị đũa chọc vào mũi trái. Sau tai nạn, bé tự rút chiếc đũa ra khỏi mũi, mũi có chảy máu nhưng tự cầm, nên gia đình cũng không đưa bé đi khám. Hai ngày sau bé sốt, được gia đình đưa đến phòng khám tư nhưng uống thuốc không giảm nên được đưa vào bệnh viện tỉnh.

Theo Thanh Niên, tại đây, bé được chẩn đoán viêm màng não, sau 2 tuần điều trị thì cho xuất viện nhưng vẫn còn tình trạng chảy dịch ở mũi trái. Khi tái khám thì bác sĩ nói bé bị viêm mũi xuất tiết. Gia đình lo lắng nên đưa bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM.

Qua kiểm tra và dựa vào các triệu chứng người nhà cung cấp, bác sĩ nghi ngờ bé bị chảy dịch não tủy nên cho chụp CT scan, thử dịch mũi trong.

Ảnh CT scan ghi nhận có bất đối xứng xương mảnh sàng 2 bên, có hình ảnh nghi ngờ mất vùng xương mảnh sàng não trái, có dịch vùng khe trên - ngách khứu trái. Bệnh nhi được chẩn đoán chảy dịch não tủy sau chấn thương.

Chia sẻ với Dân trí, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM cho biết, với tình trạng nguy hiểm trên, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật vá rò dịch não tủy bằng phương pháp "nhiều lớp trần sàng".

Cụ thể, bé được lấy mỡ bụng tự thân lắp lên vị trí chấn thương, đồng thời dùng keo sinh học bít lỗ rò dịch não tủy. Hậu phẫu 4 ngày, bệnh nhi được rút merocel (vật liệu cầm máu mũi).

Bệnh nhi được sử dụng kháng sinh, kháng viêm 7-10 ngày. Đến nay, bé đã sinh hoạt bình thường, hết chảy dịch bên trong mũi, sinh hiệu ổn, cổ mềm, không có dấu hiệu viêm màng não.

Theo bác sĩ Hảo Hớn, nếu đến bệnh viện trễ hơn, bệnh nhân có thể bị biến chứng nhiễm trùng não nặng, gây áp xe não hoặc thậm chí tử vong. "Trẻ em rất dễ bị viêm vùng mũi họng. Nếu không bít lỗ rò này sớm, việc viêm màng não sẽ xảy ra", bác sĩ phân tích.

Cũng theo bác sĩ Hớn, đây là trường hợp trẻ nhỏ tuổi nhất bị rò dịch não tủy mà bệnh viện tiếp nhận điều trị trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê trong thời gian 5 năm qua bệnh viện tiếp nhận có 32 ca bị rò dịch não tủy, và đều là người lớn.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Tp.HCM cho biết, việc thủng sàn sọ sau chấn thương rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 10% các tai nạn chấn thương.

Trong trường hợp này, bệnh nhi còn rất nhỏ, đã bị chấn thương lâu. Do đó, các bác sĩ quyết định phẫu thuật nhiều lớp để gia tăng tỉ lệ thành công. Cụ thể, việc lấy mỡ bụng tự thân đưa vào lỗ rò được xử lý vô trùng để đảm bảo an toàn cho bé. Sau đó, bé tiếp tục được dùng keo sinh học để bít thêm vào vị trí rò.

Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn khuyến cáo, cha mẹ tránh cho trẻ cầm những vật sắc nhọn như đũa, bút chì chạy chơi. Nếu trẻ chọc đũa vào mũi có thể gây đứt động mạch sàng trước, có thể gây tụ máu nội sọ, tổn thương ở mắt gây chảy máu, tổn thương thần kinh thị gây mù mắt.

Theo bác sĩ Hớn, sau khi trẻ bị chấn thương như trên thì nên đi khám tại các bệnh viện để phát hiện tổn thương sàn sọ, vá điều trị sớm, tránh tình trạng tổn viêm màng não.

Minh Hoa (t/h)