Thế giới

Châu Âu vẫn lao đao vì khủng hoảng năng lượng

Các quốc gia châu Âu đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá khí đốt tăng kỷ lục và việc giảm nguồn cung từ Nga.

Cuộc chiến tranh giành khí đốt ở châu Âu đã diễn ra từ hồi tháng 6 sau khi các nước thành viên giảm đáng kể việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu lục này.

Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream. Lo sợ dòng chảy khí đốt sẽ cắt đứt hoàn toàn, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt tay thực hiện kế hoạch tiết kiệm khí đốt ngay từ bây giờ để sử dụng trong mùa đông.

Một đợt nắng nóng kéo dài ở châu Âu đang đe dọa những nỗ lực của châu lục này nhằm đưa đủ lượng khí đốt vào dự trữ để đề phòng những lúc thời tiết chuyển biến xấu.

Nhiệt độ cao đã thúc đẩy nhu cầu khí đốt ở châu Âu và Bắc Á, khiến các công ty ở 2 khu vực này phải giành giật để có được tàu chở khí hóa lỏng (LNG) siêu lạnh, do đó đẩy giá lên cao hơn.

Giữa tháng 8, giá khí đốt đạt mức kỷ lục mới 234,50 Euro/MWh, cao hơn nhiều so với mức 28,80 Euro/MWh cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết, giá khí đốt châu Âu có thể tăng 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 mùa đông này, do sản lượng và xuất khẩu của công ty tiếp tục giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Châu Âu đang chuẩn bị cho cơn ác mộng khủng hoảng sắp thành hiện thực khi 80% lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 đã bị cắt giảm. Ảnh: DW

Sẵn sàng ứng phó khủng hoảng

Đối mặt với cơn ác mộng khủng hoảng sắp thành hiện thực, các quốc gia châu Âu đã có nhiều động thái mới.

Cụ thể, Đức dự định hoãn lại việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa được nội các của Thủ tướng Olaf Scholz chính thức thông qua, có thể sẽ còn cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hôm 15/8 tuyên bố phụ phí khí đốt mùa đông sẽ có hiệu lực vào tháng 10. Mức thuế được ấn định ở mức 2,4 cent/kW nhằm bù đắp chi phí cho các nhà cung cấp khí đốt bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Tuy nhiên, Đức không chỉ là quốc gia duy nhất chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tại Vương quốc Anh, chính phủ đã hỗ trợ những hộ gia đình chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với các biện pháp trị giá khoảng 45 tỷ USD, trong đó có 480 USD chiết khấu hóa đơn tiền điện và 786 USD cho các gia đình có thu nhập thấp hơn, được tài trợ một phần bởi tiền thuế của các công ty dầu khí.

Tương tự, chính phủ Italy đã đưa ra gói đầu tư và trợ cấp nhiên liệu trị giá 14 tỷ USD để giúp đỡ những người tiêu dùng đang gặp khó khăn.

Những người có thu nhập thấp hơn sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp 200 USD hàng năm. Chính phủ Italy cho biết, họ sẽ đánh thuế các công ty thu lợi từ giá năng lượng cao hơn.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Gundremmingen, miền Nam nước Đức. Ảnh: News AF

Tại Tây Ban Nha, chính phủ cũng đang đánh thuế các công ty năng lượng và sử dụng doanh thu 7 tỷ USD để giúp đỡ người dân. Các nhà chức trách cũng đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với hóa đơn năng lượng từ 21% xuống 10%.

Pháp thậm chí còn mạnh tay hơn với các nhà cung cấp năng lượng và buộc Tập đoàn Điện lực nhà nước EDF phải hạn chế tăng giá ở mức 4%/năm.

Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu vẫn chưa đến hồi kết, dù các quốc gia đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau. Hi vọng, nhiều biện pháp hiệu quả hơn sẽ được đưa ra trong thời gian tới.

Nguyễn Tuyết (Theo CGTN, Politico.eu, Reuters, WSJ)