Thế giới

Châu Âu tăng nguồn cung than từ châu Phi trước các lệnh trừng phạt Nga

Các lệnh trừng phạt từ quốc tế nhắm vào Nga cùng một số công ty năng lượng dừng giao dịch với Moscow đã đẩy giá than tại châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục tuần qua.

Châu Âu đang thúc đẩy các chuyến hàng thương mại từ các mỏ ở Nam Phi nhằm đáp ứng nhu cầu về than tăng cao của mình.

Nhiên liệu hóa thạch xuất phát từ Cảng than Richards Bay (trên bờ biển Ấn Độ Dương thuộc Nam Phi), trung tâm xuất khẩu lớn hàng đầu tại Châu Phi, phần lớn được vận chuyển hướng về phía Đông. Vào năm ngoái, chỉ 4% trong số 59 triệu tấn than được vận chuyển từ cảng Nam Phi là đến châu Âu và khoảng 86% được chuyển đến châu Á.

Tuy nhiên, theo dữ liệu quan sát tàu do Bloomberg tổng hợp, sự phân phối sản lượng đó có thể sẽ thay đổi đáng kể, khi một số số tàu hàng từ vịnh Richards vào tháng 2 vừa qua đã đi về phía Tây bằng cách vòng qua Mũi Hảo Vọng.

Trong tuần này, giá than chủ chốt của châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục. Nguyên nhân do tác động từ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga và một số công ty năng lượng lớn quyết định ngừng giao dịch với các đối tác Moscow đã thúc đẩy các thương nhân tìm nguồn cung thay thế ở nơi khác. Đã có những quan ngại về những biện pháp trừng phạt sẽ trở nên nghiêm khắc hơn nữa và căng thẳng quân sự sẽ thắt chặt khả năng cung cấp của các công ty than từ Nga.

Ông Bevan Jones, giám đốc điều hành của công ty tư vấn African Source Markets, chia sẻ rằng các công ty châu Âu đã gia tăng khối lượng mua trong vài tuần qua. Ông cho biết cũng có những dòng than đáng kể từ Mỹ và Colombia chuyển đến châu Âu.

Ông Jones nhận định lượng dự trữ tại vịnh Richards đang giảm đồng thời các công ty khai thác than phải đối mặt với những khó khăn về vấn đề hậu cần đường sắt trên tuyến vận chuyển chính đến cảng. Tuy nhiên vấn đề đang được giải quyết.

Tháp của một nhà máy nhiệt điện than ở Mpumalanga, Nam Phi, vào ngày 15/10/2021. Ảnh: Getty Imgages.

Theo dữ liệu từ website của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Nga là nhà cung cấp chính của Liên minh châu Âu (EU) về dầu thô, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch rắn. Vào năm 2019, hơn 3/4 lượng nhiên liệu rắn (chủ yếu là than) nhập khẩu vào EU có xuất xứ từ Nga (47%), Mỹ (18%) và Autralia (14%). 

Nga vẫn là nhà cung cấp than lớn cho châu Á. Theo dữ liệu do công ty tư vấn hàng hóa Kpler tổng hợp, Nga đã vận chuyển 7,06 triệu tấn than cho châu Á trong tháng tháng 2 vừa qua, giảm nhẹ so với 7,26 triệu trong tháng 1. Các nhà nhập khẩu than lớn của Nga tại châu Á bao gồm Trung Quốc (1,89 triệu tấn trong tháng 2), Hàn Quốc (1,58 triệu tấn), Đài Loan -  Trung Quốc (879 nghìn tấn) và Nhật Bản (831 nghìn tấn).

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, CNBC, Eurostat)