Thế giới

Châu Âu sẽ phụ thuộc vào khí đốt Mỹ trong “vài thập kỷ” tới

Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã ký một hiệp ước năng lượng mang tính đột phá với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dù có đầy đủ “công cụ cần thiết” để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông thứ hai kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, châu Âu sẽ vẫn phải phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ trong vài thập kỷ tới, quan chức năng lượng hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết.

“Lục địa già” vẫn đang chạy đua đa dạng hóa nguồn cung khỏi khí đốt Nga và mở rộng quy mô lĩnh vực năng lượng tái tạo để tăng cường an ninh năng lượng.

Chuyển từ phụ thuộc Nga sang phụ thuộc Mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn ở New York (Mỹ) do tờ Financial Times (Anh) công bố hôm 24/9, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Ditte Juul Jorgensen nói: “Chúng tôi sẽ cần một số nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống của mình trong vài thập kỷ tới. Và trong bối cảnh đó, sẽ cần đến năng lượng từ Mỹ”.

Tuyên bố này là một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Brussels rằng các quốc gia EU sẽ tiêu thụ LNG Mỹ đến tận sau thập kỷ này, bất chấp những lo ngại của một số chính trị gia và các nhà vận động môi trường rằng nó có thể gây rủi ro cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối 27 quốc gia trên lục địa châu Âu.

Brussels đang chơi trò “đi dây thăng bằng” giữa nhu cầu tăng cường an ninh năng lượng bằng cách loại bỏ khí đốt Nga ra khỏi hệ thống của mình, và đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và gần hơn là cắt giảm hơn một nửa lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của bà Jorgensen sẽ giúp “mở đường” cho những khách hàng châu Âu vẫn còn đang do dự khi ký thỏa thuận với các nhà cung cấp của “xứ cờ hoa” sau thời hạn năm 2030.

“Đối với các nhà sản xuất LNG của Mỹ, đây thực sự là một tín hiệu tích cực”, ông Fauzeya Rahman, nhà phân tích về LNG tại công ty tư vấn ICIS, cho biết.

Cơ sở xuất khẩu LNG Sabine Pass của Cheniere Energy Inc. Ảnh: Power Engineering

Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái, EU đã ký một hiệp ước mang tính đột phá với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm nỗ lực đảm bảo có thêm 50 triệu m3 LNG Mỹ mỗi năm cho đến ít nhất là năm 2030. Thỏa thuận này được thực hiện trên cơ sở phù hợp với các mục tiêu về khí hậu của EU và Mỹ, và cả hai bên sẽ nỗ lực giảm nhu cầu khí đốt.

Phát biểu tại một cuộc họp báo công bố thỏa thuận trên hồi tháng 3/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn người châu Âu đa dạng hóa khỏi Nga để hướng tới các nhà cung cấp mà chúng tôi tin tưởng, là bạn bè và đáng tin cậy”.

Trong khi đó, phía Nga coi đó chỉ là sự thay đổi về đối tượng mà EU phụ thuộc vào.

“Họ đã chuyển từ phụ thuộc vào khí đốt Nga thành phụ thuộc vào LNG Mỹ”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trên truyền hình nhà nước Nga, lưu ý rằng sự phụ thuộc là như nhau.

“Và bây giờ, khi người châu Âu đang mất hàng tỷ euro mỗi ngày thì Washington đã kiếm được hàng tỷ USD này”, ông Peskov kết luận.

Đi ngược lại các mục tiêu khí hậu

Xuất khẩu LNG của Mỹ sang EU đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, tăng lên mức 56 tỷ m3 năm 2022 từ mức 22 tỷ m3 năm 2021. Đến cuối năm 2022, khí đốt Nga chiếm 16% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, giảm từ mức 37% vào tháng 3/2022.

Nhưng trong khi dòng chảy khí đốt qua đường ống của Nga chững lại, thì việc vận chuyển loại khí siêu lạnh bằng tàu biển từ Nga sang châu Âu vẫn ở mức cao kỷ lục, với Tây Ban Nha và Bỉ là những khách hàng mua LNG Nga lớn thứ hai và thứ ba trên toàn thế giới (sau Trung Quốc), theo ước tính hồi cuối tháng 8 của tổ chức phi chính phủ Global Witness.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten đã kêu gọi EU cắt giảm nhập khẩu khí đốt Nga. Trong khi đó, các công ty LNG Mỹ đã tiếp tục ký các thỏa thuận cung cấp dài hạn mới với châu Âu.

Cheniere Energy, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, đã ký 2 hợp đồng với công ty dầu khí đa quốc gia Equinor của Na Uy và Tập đoàn BASF của Đức trong năm nay, hứa hẹn sẽ cung cấp 2,55 triệu tấn LNG mỗi năm tới bên kia bờ Đại Tây Dương cho đến những năm 2040.

“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy nhu cầu đáng kể về khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là đối với người dùng cuối, những người coi trọng mối quan hệ đối tác lâu dài và an ninh nguồn cung”, ông Anatol Feygin, giám đốc thương mại của Cheniere, cho biết.

Venture Global LNG, một nhà xuất khẩu khác của Mỹ, đã ký hợp đồng 20 năm về cung cấp 2,25 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm cho Tập đoàn nhà nước SEFE của Đức hồi tháng 6. Cùng với hợp đồng 20 năm với EnBW – một trong những công ty cung cấp năng lượng lớn nhất ở Đức – được ký vào tháng 10 năm ngoái, Venture Global dự kiến sẽ trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của Đức.

Nhà ga LNG Fluxys ở Zeebrugge, Bỉ. Ảnh: Brussels Times

Tuy nhiên, một số chính trị gia và nhà vận động môi trường ờ châu Âu ngày càng lo ngại rằng việc xây dựng các trạm nhập khẩu khí đốt và ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp Mỹ sẽ khiến các mục tiêu khí hậu của EU gặp rủi ro.

“Cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch ngày càng đi ngược lại mục tiêu này”, ông Ciaran Cuffe, một đại biểu Nghị viện châu Âu đến từ Ireland, cho biết.

“Việc tăng cường sự phụ thuộc của chúng ta vào LNG và khí đốt thu được từ thủy lực cắt phá (fracking) là thiển cận. Cuối cùng, trọng tâm của chúng ta phải là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo”, ông Cuffe nói.

Cơ quan lập kế hoạch của Ireland tuần trước đã từ chối phê duyệt việc xây dựng một trạm nhập khẩu LNG nổi của công ty New Fortress Energy có trụ sở tại Mỹ, lập luận rằng động thái này là không phù hợp trong bối cảnh quốc gia châu Âu chuẩn bị xem xét nguồn cung năng lượng của mình.

Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan, một thành viên Đảng Xanh, cho biết tương lai không phải với nhiên liệu hóa thạch. “Vào thời điểm thế giới đang bùng cháy, chúng ta không thể mở rộng việc sử dụng khí đốt”.

Minh Đức (Theo FT, Reuters, Al Jazeera)